Sau khi dũng cảm đứng lên tố cáo vấn đề lạm dụng tình dục, quấy rối và hành vi sai trái trong khuôn viên trường, nhiều sinh viên nữ tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) phải hứng chịu những lời đe dọa và tra khảo bất hợp lý chính từ phía nhà trường.
Ava, sinh viên 20 tuổi tại NUS, bị học trưởng quay trộm video khi quan hệ tình dục với hắn vào cuối năm 2020.
Cô đã tố cáo nam sinh viên này với hội đồng kỷ luật nhà trường. Sau đó, cô được yêu cầu tham gia một phiên điều trần kín với các thành viên trong hội đồng.
“Khi nghe được từ một người bạn chung kể rằng anh ta đã làm điều tương tự với cô gái khác, tôi không chần chừ. Tôi thấy mình phải báo cáo hành vi này”, Ava nói với VICE. Cô yêu cầu sử dụng bút danh vì sợ bị trả thù.
Đại học Quốc gia Singapore (NUS) là cơ sở đào tạo đại học lâu đời và uy tín nhất đảo quốc sư tử. (Ảnh: Raj Nadarajan/TODAY)
Ava cho biết lãnh đạo nhà trường đảm bảo rằng cô đang ở trong “môi trường an toàn” để lên tiếng về vụ lạm dụng. Song, thay vào đó, cô sửng sốt khi bị tra hỏi những câu xâm phạm đời tư, bao gồm việc sử dụng ứng dụng hẹn hò. Điều này khiến Ava cảm thấy khó chịu, sợ hãi và bối rối.
“Tôi chẳng thấy việc dùng ứng dụng hẹn hò có liên quan gì đến vụ việc cả”, cô khẳng định.
Cuối cùng, nam sinh kia đã bị đuổi học vào tháng 2, sau khi nhà trường điều tra cáo buộc của Ava và lời tố cáo về vụ việc tương tự xảy ra với nữ sinh khác.
Tuy nhiên, mọi thứ lại sớm trở nên tồi tệ hơn với Ava.
Sau khi các phương tiện truyền thông địa phương đưa tin về vụ việc, Ava nhận thấy mình trở thành đối tượng của “cuộc điều tra vi phạm dữ liệu”.
Cô bị thẩm vấn bởi một nữ điều tra viên do “tiết lộ thông tin cá nhân”, dù Ava phủ nhận cáo buộc này.
“Tôi sốc khi nghe tin mình sẽ bị thẩm vấn. Tôi hoảng loạn và bắt đầu lo lắng. Tôi không biết mình đã làm gì sai”, cô kể lại.
Người thẩm vấn Ava là Kalaivani Kalimuthu, một cựu cảnh sát từng bị kết án và bỏ tù vì giả mạo lời khai nhằm gợi ý rằng nạn nhân lạm dụng tình dục không ngại bị đụng chạm.
Khi được hỏi về quyết định tuyển dụng cảnh sát cũ từng mắc bê bối gần đây, trường đại học thừa nhận “lo ngại về lý lịch của nhân viên” và cho biết họ đã bổ nhiệm người khác.
Hiện Kalimuthu đã nghỉ việc, còn trường đại học không trả lời thêm. VICE cũng không thể liên hệ với Kalimuthu để xin bình luận.
Theodore G. Hopf, giảng viên hàng đầu của NUS, bị nhà trường sa thải vào 1/12/2020 do quấy rối tình dục sinh viên bằng cả lời nói và văn bản. (Ảnh: FASS.NUS.EDU)
Ava cho biết cô bị cựu cảnh sát đe dọa và gây sức ép bằng lời nói, đồng thời được thông báo rằng “có khả năng” cô sẽ bị buộc tội quấy rối và doxxing - một hình thức quấy rối trực tuyến, công bố thông tin riêng tư hoặc nhạy cảm về ai đó mà không được chính chủ cho phép.
“Kalimuthu tuyên bố ‘đã biết mọi chuyện’ và tốt nhất, tôi nên thú nhận hết. Cô cũng nói rằng thủ phạm của tôi đã phải trải qua nhiều chuyện sau khi vụ án được đưa trên các phương tiện truyền thông”, Ava kể lại.
“Vụ việc nơi tôi là nạn nhân lại dùng để chống lại tôi. Tôi cảm thấy bị cô lập và sợ hãi”, nữ sinh 20 tuổi chia sẻ.
Cảnh sát Singapore xác nhận với Straits Times rằng họ đã tiếp nhận những báo cáo liên quan đến vụ việc của Ava, và các cuộc điều tra đang được tiến hành.
NUS là cơ sở đào tạo đại học lâu đời và uy tín nhất Singapore, đồng thời nằm trong danh sách các trường đại học tốt nhất trên thế giới.
Trường thường xuyên đứng đầu các bảng xếp hạng học thuật toàn cầu cho các chương trình đào tạo luật và y khoa. Thậm chí, trường đã hợp tác với những tên tuổi hàng đầu, như Duke và Yale, để thành lập các khu học xá quốc tế.
Tuy nhiên, hàng loạt vụ quấy rối và tấn công tình dục nổi tiếng đã làm tổn hại đến danh tiếng của nhà trường.
Kể từ năm 2016-2020, hơn 90 đơn khiếu nại về hành vi lạm dụng của nam giới, bao gồm sinh viên và nhân viên nhà trường, đối với nữ giới được ghi nhận, theo bản báo cáo đầu tiên về các vụ tấn công tình dục của NUS. Năm 2019, nhà trường ghi nhận tới 25 đơn khiếu nại, gần gấp đôi con số năm 2018.
NUS bị chỉ trích bởi những phương pháp tiếp cận, hỗ trợ nạn nhân quấy rối tình dục yếu kém. (Ảnh: Catherine Lai/AP)
Trong những tháng gần đây, lãnh đạo nhà trường đã nhiều lần trấn an sinh viên cũng như công chúng rằng họ sẽ tăng cường các biện pháp chống lạm dụng và quấy rối tình dục, đồng thời áp dụng "cách tiếp cận toàn diện hơn" để hỗ trợ những nạn nhân.
Trong email nội bộ được công khai vào tháng 12/2020, ông Tan Eng Chye, Chủ tịch nhà trường, đã đưa ra các biện pháp cụ thể, bao gồm đào tạo nhân viên và củng cố quy trình trình báo vụ việc lạm dụng tình dục. “Đơn vị hỗ trợ nạn nhân” cũng được thành lập trong khuôn viên nhà trường.
Ava không đơn độc khi phải đối mặt với nhiều trở ngại vì đã lên tiếng chống lại nhà trường và những sai sót của họ trong việc xử lý cáo buộc.
Cheryl, một sinh viên mới tốt nghiệp từ NUS, chia sẻ về trải nghiệm đau thương tương tự khi đối mặt với giảng viên cũ của cô là Tiến sĩ Jeremy Fernando.
Giảng viên này đã bị sa thải vào tháng 10/2020 sau khi cuộc điều tra nội bộ của NUS phát hiện rằng anh có “mối quan hệ thân thiết với một sinh viên chưa tốt nghiệp”.
Chia sẻ với Straits Times, một sinh viên nữ khác nói rằng Fernando từng quan hệ tình dục bằng miệng mà không có sự đồng ý của cô. Còn Cheryl cho biết Fernando từng cưỡng hôn và đụng chạm vào cô tùy tiện.
Sau một vài trục trặc, Cheryl cuối cùng có thể gửi đơn khiếu nại chống lại Fernando. Một cuộc họp được tổ chức giữa cô và các nhân viên nhà trường cũng như đơn vị chăm sóc nạn nhân.
Jeremy Fernando bị sa thải vào tháng 10/2020 do quấy rối tình dục một số sinh viên. (Ảnh: TEMBUSU.NUS.EDU)
Sau 11 ngày chờ đợi, nhà trường quyết định sa thải Fernando, song không phải do bị cáo buộc tấn công tình dục và hành vi sai trái. Đồng thời, NUS báo cáo vụ việc với phía cảnh sát mà không nói trước với Cheryl.
“Chỉ tới khi dự cuộc họp báo, tôi mới biết NUS đã báo vụ việc với cảnh sát. Tôi rất kinh sợ. Cảm giác như quyền tự chủ của tôi bị tước mất. Năm 15 tuổi, tôi từng có trải nghiệm tồi tệ khi báo cáo với cảnh sát về một vụ tấn công tình dục khác”, cô kể lại.
Fernando đã đưa ra lời xin lỗi, song không phản hồi yêu cầu bình luận của VICE.
Một số sinh viên và nhân viên nhà trường cũng bày tỏ sự thất vọng và giận dữ của họ về cách thức làm thủ tục tố cáo hành vi lạm dụng tình dục, nhất là sau vụ việc Monica Baey, cựu sinh viên NUS, bị nam sinh viên quay lén khi đang tắm trong khu ký túc xá hồi tháng 4/2019.
Cheryl cũng cho biết cô bị kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối trong quá trình điều tra của cảnh sát.
“Người giám định hôm đó nói rằng bài kiểm tra là khoa học và ‘không nói dối’”, cô kể lại. Tuy nhiên, Cheryl thất bại trong buổi thẩm vấn chỉ trong 15 phút.
“Tôi trở nên thở gấp khi họ hỏi rằng liệu tôi có phải con người không - một câu hỏi mang tính kiểm soát. Người giám định tuyên bố tôi đã ‘làm hỏng’ buổi điều tra hôm đó”, cô nói.
NUS không trả lời các yêu cầu bình luận nhiều lần từ VICE. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo gần đây, người phát ngôn nhà trường cho biết họ có "nghĩa vụ pháp lý" là phải báo cáo các trường hợp hành vi tình dục sai trái cho chính quyền, trích dẫn Mục 424 của Bộ luật Tố tụng Hình sự Singapore.
AWARE, tổ chức bình đẳng giới hàng đầu Singapore, lên án các hành động hiện tại của NUS.
“Nhiều nạn nhân tỏ ra lo ngại về cuộc kiểm tra bằng máy nói dối do sợ rằng kết quả có thể khiến cảnh sát nghi ngờ và làm suy yếu vụ án của họ”, Chủ tịch AWARE Margaret Thomas cho biết trong một email gửi cho VICE.
“Việc nạn nhân không muốn trình báo nên được coi là cơ sở hợp lý để miễn trừ khỏi Mục 424”, bà nói thêm.
NUS đã nhiều lần bảo vệ cách xử lý các trường hợp lạm dụng tình dục của họ. Tuy nhiên, sau loạt sự việc, một số sinh viên cho biết họ sẽ suy nghĩ kỹ trước khi quyết định trình báo với nhà trường.
“Hệ thống hỗ trợ nạn nhân quấy rối tình dục của trường tôi đang chống lại họ. Bởi vậy, tôi sẽ thấy do dự khi báo cáo vụ tấn công tình dục tới nhà trường”, Lim Xin Yi (20 tuổi), sinh viên đại học ngành kinh doanh, nói với VICE.