Các VĐV từ 205 quốc gia và vùng lãnh thổ đang thi đấu tại Olympic Tokyo, gánh vác trên vai kỳ vọng của cả dân tộc.
Kèm theo áp lực đó, họ còn bị bắt nạt trên mạng. Nhiều VĐV, nhà chức trách và cả Tổng thống Singapre đã lên tiếng về vấn nạn này, theo Nikkei Asia.
"Chúng tôi sẽ không bỏ qua việc bắt nạt trên mạng dưới bất kỳ hình thức nào", Ủy ban Olympic New Zealand nói với AFP. Lời khẳng định trên là phản ứng trước những bình luận thù ghét nhắm vào VĐV cử tạ Laurel Hubbard, người phụ nữ chuyển giới đầu tiên thi đấu tại Thế vận hội.
Hubbard không phải người duy nhất hứng chịu chỉ trích. Trong dịch Covid-19, khán giả không được trực tiếp đến xem thi đấu, nên các VĐV chủ yếu tương tác với fan qua Internet. Tuy vậy, điều này có những hạn chế lớn.
Laurel Hubbard, VĐV chuyển giới nữ đầu tiên thi đấu tại Olympic, trở thành mục tiêu của những bình luận ác ý.
VĐV thể dục dụng cụ Nhật Bản Mai Murakami, người giành HCĐ trong môn thi đấu trên sàn, đã rơi nước mắt khi kể rằng cô nhận được nhiều bình luận tiêu cực trên mạng xã hội.
"Dù biết có nhiều người ủng hộ mình, tôi không thể tránh những lời lẽ cay độc đó", cô nói.
VĐV bóng bàn Nhật Bản Jun Mizutani, người đã giành HCV đôi nam nữ cùng Mima Ito, tiết lộ trên Twitter rằng anh gặp phải những tin nhắn sỉ nhục, đe dọa từ cả trong và ngoài nước.
Một người dùng Twitter ẩn danh đã gửi hàng loạt tin nhắn như "Hãy chết đi" cùng nhiều lời lẽ lăng mạ khác.
Vấn đề này cũng thu hút sự chú ý ở nhiều nơi khác trên châu Á. Lee Chong Wei, phụ trách đội tuyển Malaysia ở Olympic Tokyo, đã phải lao vào bảo vệ 2 tay vợt Chan Peng Soon và Goh Liu Ying sau khi họ không thể vượt qua vòng loại trực tiếp môn cầu lông, hạng mục đôi nam nữ.
Làn sóng chỉ trích mà họ phải chịu là "không thể chấp nhận được", Lee nói với tờ New Straits Times.
"Tôi thất vọng vì những bình luận lăng mạ các cầu thủ cầu lông của chúng tôi. Là đồng đội cũ, tôi hiểu những gì họ phải trải qua. Không VĐV nào muốn chịu thua, nhưng trận đấu nào cũng phải có người thắng và kẻ bại... Đừng chế nhạo và bỏ rơi họ khi kết quả không như ý", anh viết trên Instagram.
An San, VĐV bắn cung nữ, bị bắt nạt trên mạng vì mái tóc ngắn.
Tại Singapore, Tổng thống Halimah Yacob đã kêu gọi người dân thành phố ủng hộ các VĐV. Joseph Schooling, VĐV bơi lội, đã không thể lọt vào bán kết dù trước đó giành HCV tại Olympic Rio 2016. Anh hứng chịu sự chỉ trích gay gắt.
"Đó chỉ là khởi đầu của cơn bão bình luận tiêu cực, ác ý. Chúng ta dường như quên rằng Schooling đã giành huy chương vàng Olympic và mang về vinh quang cho lịch sử thể thao nước nhà", tổng thống phát biểu.
Tại Hàn Quốc, An San (20 tuổi), VĐV đoạt HCV môn bắn cung nữ, đã đăng trên Instagram những tin nhắn lăng mạ cô. Sau khi cắt tóc ngắn, cô bị gắn mác "nữ quyền" và phải hứng chịu những lời cay độc.
“Chúng tôi được biết một số VĐV đã phải ngừng dùng mạng xã hội… Những bình luận tiêu cực, dù ít hay nhiều, đều có thể tổn thương họ”, Kirsty Coventry, Chủ tịch Ủy ban Vận động viên Olympic quốc tế, cho biết.
Sức khỏe tinh thần của các VĐV đã được chú ý hơn tại các giải đấu thể thao.
Vào tháng 6, tay vợt Nhật Bản Naomi Osaka đã lên tiếng về chứng trầm cảm. Cuối tháng 7, ngôi sao thể dục dụng cụ người Mỹ Simone Biles đã rút lui khỏi các sự kiện lớn để tập trung chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Tuy nhiên, trong thời đại này, các VĐV cần mạng xã hội để kết nối với người theo dõi và xây dựng thương hiệu cá nhân. Điều này khiến việc tiếp xúc với những bình luận tiêu cực trở nên khó tránh khỏi.
Mạng xã hội trở thành công cụ không thể thiếu để các VĐV tương tác với người hâm mộ.
Hiroaki Yamamoto, bác sĩ tâm lý kiêm ủy viên Hiệp hội Tâm lý Thể thao Nhật Bản, cảnh báo rằng những lời lẽ ác ý có thể tác động tiêu cực đến thành tích của các VĐV.
“Bạn không thể chỉ khuyên các VĐV tránh xa mạng xã hội. Chúng đã trở thành một công cụ không thể thiếu để họ nâng cao giá trị", Yamamoto nói.
Nhiều VĐV đã chia sẻ trải nghiệm tại làng Olympic trên nhiều nền tảng như Tik Tok và Instagram, mang đến cho người hâm mộ cái nhìn mới về Thế vận hội.
BTC Olympic cho biết họ đang thực hiện các biện pháp giúp các VĐV giảm bớt căng thẳng tinh thần.
Họ đã thiết lập một phòng khám với các dịch vụ bao gồm tư vấn tâm lý và đường dây nóng hoạt động 24/7 với 70 ngôn ngữ khác nhau.
Phòng khám cũng cung cấp 6 buổi tư vấn và hỗ trợ miễn phí cho các VĐV trong vòng 3 tháng sau Thế vận hội.
Ủy ban Olympic Nhật Bản nói với các phóng viên hôm 1/8 rằng họ đang theo dõi và ghi nhận các vụ bắt nạt trực tuyến, thậm chí có thể điều động cảnh sát nếu cần thiết.
Nạn bắt nạt trên mạng không phải vấn đề mới, nhưng các VĐV Olympic đang làm nổi bật độ nghiêm trọng.
Bác sĩ tâm lý Yamamoto cho biết nhiều VĐV đã trở nên cẩn thận hơn với nội dung họ đăng tải. Tuy nhiên, ông cho rằng rất khó để tránh những kẻ bắt nạt nếu không có thay đổi lớn hơn trong cách mạng xã hội hoạt động.
“Đây là vấn đề rất đáng lo ngại mà hiện vẫn thiếu một giải pháp triệt để", ông nói.