Payal Rathwa đang chuẩn bị bữa tối tại nhà ở thành phố Rajkot, phía tây Ấn Độ thì bất ngờ có 8 người lạ mặt xông vào. Họ thuộc hijra, cộng đồng những người đa dạng về giới ăn mặc theo phong cách nữ tính và sống cùng nhau.
Họ lôi Rathwa ra khỏi nhà, lột quần áo, cắt tóc và đánh đập cô. Họ thậm chí còn chụp lại những tấm hình nhạy cảm và tung lên mạng xã hội vào ngày 15/2.
4 ngày sau đó, nhóm người lại tới nhà Rathwa nhưng lần này cô kịp thời báo cảnh sát, tố cáo những kẻ tấn công. Một tuần sau, những người này phải viết thư xin lỗi Rathwa.
“Những hijra tấn công vì tôi mặc saree (trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ), đeo trang sức và tô son nhưng từ chối gia nhập cộng đồng của họ”, họa sĩ chuyển giới 22 tuổi chia sẻ.
Tại Ấn Độ, một số phụ nữ chuyển giới trẻ có sự nghiệp ổn định với trình độ học vấn cao, muốn có một cuộc sống độc lập. Tuy nhiên, họ đang bị quấy rối, tấn công bởi một bộ phận người thuộc cộng đồng chuyển giới lớn tuổi.
Ở xứ tỷ dân, phần lớn người chuyển giới không được xã hội đón nhận, thậm chí bị chính gia đình ruồng bỏ, xa lánh. Điều này khiến họ phải sống cùng nhau như một cộng đồng để đảm bảo an toàn, làm những nghề mạo hiểm hay trái pháp luật để kiếm sống như ăn xin hoặc mại dâm.
Rathwa bị chính những người chuyển giới như cô tấn công vì từ chối gia nhập cộng đồng hijra. (Ảnh: Payal Rathwa)
Tuy nhiên, từ năm 2014, việc Ấn Độ công nhận người chuyển giới thuộc “giới tính thứ 3” đã tạo cho cộng đồng này có thêm nhiều cơ hội việc làm cũng như khuyến khích sự chấp nhận của xã hội. Điều này khiến nhiều phụ nữ chuyển giới trẻ chọn không liên kết với các cộng đồng hijra.
Họ muốn sống độc lập, kiếm tiền bằng những nghề nghiệp như kỹ sư, nhân viên ngân hàng, luật sư, học giả, diễn viên, nhà thiết kế thời trang hay thậm chí là biên tập viên truyền hình.
Damini Sinha, kỹ sư phần mềm là người chuyển giới làm việc tại thành phố Pune, là một trong những người không ngừng đấu tranh cho Rathwa trên mạng xã hội. Cô chia sẻ các cộng đồng hijra truyền thống khó có thể chấp nhận được việc phụ nữ chuyển giới mặc saree, đeo vòng tay và mặc quần áo theo phong cách nữ tính nhưng từ chối tham gia cùng họ.
Latika Das Randhawa, người mẫu chuyển giới 42 tuổi sống ở thành phố Ambala, bị cộng đồng hijra cho là người không đứng đắn khi cô tham gia một cuộc tranh cử chính trị 2 năm trước.
“Phụ nữ chuyển giới bị cộng đồng hijra đối xử như kẻ thù nếu từ chối chung sống với họ. Không có cách nào để thoát khỏi sự thù ghét của họ”, Randhawa chia sẻ.
Nhiều người chuyển giới trẻ tìm kiếm cơ hội làm việc và muốn có cuộc sống độc lập thay vì sống nhờ cộng đồng. (Ảnh: Getty)
Ganga (26 tuổi, diễn viên) cho biết cô bị một hijra hành hung tại trạm xe buýt sau khi cô nói mình "không liên quan" đến cộng đồng này. Kẻ tấn công kéo quần của cô ấy xuống, đánh cô cho đến khi Ganga phản kháng được và bỏ chạy.
Một người bạn của nữ diễn viên đã chia sẻ video Ganga kể lại sự việc đồng thời liên hệ cảnh sát. Kẻ tình nghi bị bắt sau đó.
“Rất nhiều phụ nữ đã bị cộng đồng hijra quấy rối, làm hại nhưng không phải ai cũng có can đảm để đứng ra tố cáo”, Ganga cho biết.
Reena Rai, người phát động Miss Transqueen India, cuộc thi sắc đẹp đầu tiên dành cho người chuyển giới ở Ấn Độ vào năm 2017, tiết lộ rằng một số thí sinh nhận được lời đe dọa từ một bộ phận hijra vì đã trở thành người mẫu.
“Sức ảnh hưởng mà những người chuyển giới lớn tuổi được hưởng trong xã hội do ảnh hưởng tôn giáo cho phép họ quấy rối phụ nữ chuyển giới trẻ hơn”, Aakruti Patel, người hợp tác với Lakshya Trust, tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy bình đẳng giới, nhận định.
Fana (20 tuổi, sinh viên) cho rằng những vụ người chuyển giới chịu quấy rối thường bị ngó lơ do sự tắc trách của cảnh sát. Cảnh sát nghĩ rằng những trường hợp bạo lực này chỉ là vấn đề nội bộ của cộng đồng người chuyển giới.
Ganga từng bị tấn công vì phủ nhận liên quan đến hijra. (Ảnh: Ganga)
Nữ sinh viên ngành thiết kế thời trang đã làm đơn khiếu nại 25 thành viên thuộc cộng đồng hijra địa phương tội hành hung nhưng cảnh sát lại muốn cô "phải tự giải quyết chuyện này".
Tuy nhiên, nhà hoạt động Amruta Soni, người tự hào là một thành viên thuộc cộng đồng hijra, phủ nhận những cáo buộc quấy rối trên.
Cô cho rằng việc gắn mác xấu xa cho tất cả hijra là thiếu cảm thông.
Soni chia sẻ cô chưa bao giờ bị cộng đồng của mình ngăn cản cuộc sống độc lập.
“Tôi luôn được dặn hãy làm những gì mình muốn. Tôi biết ơn cộng đồng hijra đã cho tôi nơi nương tựa khi gia đình ghét bỏ tôi vào năm tôi 16 tuổi”, cô kể.
Năm 2016, Neysara, nhà hoạt động cho quyền người chuyển giới, đã lập ra một nền tảng mang tên TransualityIndia.com. Trang web này ghi lại câu chuyện của 17 phụ nữ chuyển giới nhằm nhấn mạnh sự khác biệt của họ với cộng đồng hijra.
“Cộng đồng hijra tồn tại là do xã hội tước đi quyền của những người chuyển giới. Cần phải giải phóng tất cả người chuyển giới bằng chiến dịch nâng cao nhận thức và trao quyền cho họ để đưa ra những lựa chọn sáng suốt”, Naysara chia sẻ.