Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ngừng cấp phép hãng bay mới, Vietravel tạm gác 'giấc mơ bay'

(VTC News) -

Đề xuất ngừng cấp phép hãng bay mới của Bộ GTVT khiến một số doanh nghiệp, trong đó có Vietravel sẽ phải tạm gác lại kế hoạch.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản đề xuất Chính phủ tạm ngưng cấp phép thành lập các hãng hàng không mới đến năm 2022 để tập trung phục hồi ngành hàng không do tác động của dịch COVID-19.

Nếu điều đó xảy ra, “giấc mơ bay” của một số doanh nghiệp, trong đó có Vietravel sẽ phải tạm gác lại dù đã được chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không.

Đề xuất ngừng cấp phép hãng bay mới của Bộ GTVT khiến một số doanh nghiệp, trong đó có Vietravel sẽ phải tạm gác lại kế hoạch.

Dù Công ty Cổ phần Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) tỏ ra mặn mà với hàng không khi đề xuất thành lập Hãng hàng không lữ hành Vietravel Airlines nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia, sẽ hiệu quả hơn nếu doanh nghiệp này tập trung phục hồi du lịch và bắt tay với các hãng hiện có để chở khách của mình. Sau năm 2022, khi thị trường khôi phục hoàn toàn, lập hãng bay lúc đó cũng chưa muộn.

Có cơ sở để ngừng cấp phép

Mới đây, trả lời báo chí, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel cho biết vẫn đang xúc tiến việc thành lập hãng bay và dự định cất cánh vào quý II năm 2021. Tuy nhiên, Vietravel Airlines chưa được Bộ GTVT cấp giấy phép vận tải hàng không.

Và, Bộ này vừa báo cáo, đề nghị Thủ tướng: “Trước mắt, tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động. Việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi, dự kiến năm 2022”.

Nếu đề xuất này được Chính phủ thông qua, “giấc mơ bay” của Vietravel Airlines cùng nhiều hãng khác như Kite Air, Vietstar… đành tạm gác lại sau năm 2022.

Trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT rà soát, xem xét lại việc cấp phép thành lập hãng hàng không mới nhằm phát triển ngành hàng không bền vững trong bối cảnh “bình thường mới” sau dịch COVID-19.

Liên quan về vấn đề này, trả lời VTC News, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng khi cấp phép cho các hãng bay mới phải cân nhắc kỹ lưỡng, dù rằng về mặt lý thuyết, việc tham gia thị trường vận tải hàng không là quyền của doanh nghiệp nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Lý giải về điều này, theo luật sư Quỳnh, đây không chỉ là vấn đề cạnh tranh - liên quan quyền lợi của người tiêu dùng mà còn là năng lực quản lý nhà nước cũng như điều kiện cơ sở hạ tầng.

Chuyên gia pháp lý cũng nhấn mạnh tình trạng quá tải ở nhiều sân bay nội địa trong thời gian qua. Theo đó, hạ tầng đường băng cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề về chất lượng, ảnh hưởng đến an toàn bay.

Do vậy, đề xuất tạm ngưng cấp phép cho các hãng bay mới của Bộ GTVT đến năm 2022 có thể chấp nhận được, song cần làm rõ căn cứ về năng lực của Nhà nước.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cũng cho rằng hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện. Điều 110 Luật Hàng không dân dụng (năm 2014) quy định, Bộ trưởng Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không sau khi được Thủ tướng cho phép.

Như vậy, sau khi Bộ GTVT kiểm tra, rà soát, báo cáo Thủ tướng về việc đã đủ điều kiện, thủ tục thì Thủ tướng sẽ xem xét, chỉ đạo Bộ GTVT có cấp phép vận chuyển hàng không cho các hãng hay không.

Ông Truyền chỉ rõ, Vietravel Airlines đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay ngành hàng không và nhiều ngành khác đang gặp khó khăn, cần được hỗ trợ để khôi phục nên việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho hãng này rất khó,

"Tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 110 của Luật Hàng không dân dụng về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không quy định: Có phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không phù hợp với nhu cầu thị trường và quy hoạch định hướng phát triển ngành hàng không”. Trong bối cảnh “chiếc bánh thị trường” đã bị giảm một nửa (theo đánh giá của Bộ GTVT), hãng hiện hành đang thừa tàu bay, nếu thêm hãng mới sẽ khiến có hãng cũ đứng trước nguy cơ phá sản cao hơn, bản thân hãng mới cũng khó tồn tại", luật sư Nguyễn Thế Truyền nhìn nhận.

Chưa cất cánh đã “hụt hơi”

Hành trình gia nhập cuộc đua vận tải hàng không của Vietravel thời gian qua cho thấy, doanh nghiệp này rất nỗ lực để hiện thực hóa giấc mơ “cất cánh”. Tuy vậy, theo báo cáo tài chính quý I/2020 của Vietravel thì doanh nghiệp này đang trong tình thế chưa cất cánh đã "hụt hơi".

Cụ thể, 3 tháng đầu năm nay, do tác động của dịch COVID-19, hãng lữ hành này thu về gần 790 tỷ đồng doanh thu, chỉ tương đương 1/2 doanh thu cùng kỳ. Trong đó, thu từ dịch vụ du lịch lữ hành giảm từ 1.148 tỷ còn 608 tỷ đồng (giảm 47%); doanh thu bán vé máy bay giảm 33%, còn 155 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí lãi vay tăng gấp 8 lần, tiêu tốn của hãng hơn 21 tỷ đồng trong quý 1.

Kết quả, Vietravel ghi nhận khoản lỗ trước thuế hơn 38 tỷ đồng. Lợi nhuận sau khi trừ thuế kỳ này của Vietravel giảm hơn 46 tỷ đồng so với cùng kỳ, báo số âm 41,5 tỷ đồng.

Đây là số lỗ quý lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây của doanh nghiệp và là quý lỗ thứ 2 liên tiếp (quý trước lỗ 14 tỷ đồng). Số thua lỗ trong quý 1 năm nay đã tương đương mức lợi nhuận của Vietravel trong cả năm 2019.

Đào Bích

Tin mới