Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ngư dân bị tàu Trung Quốc đâm lật tẩy phát ngôn bịa đặt của bà Hoa Xuân Oánh

(VTC News) -

Ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm bức xúc kể thời khắc kinh hoàng giữa biển khơi, lật tẩy lời bịa đặt của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Video: Tàu cá của 8 ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa

4/8 thuyền viên trên tàu cá Quảng Ngãi bị Trung Quốc ác tâm đâm chìm giờ đang nhận được sự chăm sóc y tế tại Bệnh viện Dung Quất, huyện Bình Sơn.

Sáng 5/4, sau gần một ngày vào bờ, tinh thần và sức khỏe của các ngư dân bắt đầu ổn định hơn. Ấy nhưng, chuyến ra biển kinh hoàng vừa qua vẫn lẩn quẩn trong tâm trí họ với niềm căm phẫn.

Các ngư dân trở về đất liền sau chuyến ra biển kinh hoàng.

1h ngày 2/4 chắc chắn là mốc thời gian không thể nào quên đối với các ngư dân hành nghề trên tàu cá QNg 90617 TS, trong đó có thuyền viên Phạm Vĩnh, Võ Duy Khánh, Võ Văn Khiêm và Võ Văn Long (cùng trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) – 4 thuyền viên được tàu bạn đưa về đất liền trước.

Ông Vĩnh nhớ như in, thời điểm cả biển trời còn đang chìm trong màn đêm, ông cùng 7 ngư dân trên tàu QNg 90617 TS do ông Trần Hồng Thọ làm chủ kiêm thuyền trưởng vẫn say sưa đánh bắt ở khu vực vùng biển thuộc đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa).

Cảm giác bất an bắt đầu dấy lên bởi sự xuất hiện lù lù của con tàu sắt Trung Quốc, khua sóng phành phạch.

XEM THÊM:

>>> Người phát ngôn BNG Trung Quốc trắng trợn bịa đặt: Tàu cá VN đâm tàu hải cảnh TQ

“Không nói không rằng, những kẻ lạ trên tàu Trung Quốc áp sát tàu cá. Ý đồ của bọn chúng là dồn tàu của mình vào đảo Phú Lâm.

Lúc này, thuyền trưởng Thọ quyết định bẻ lái, tìm cách thoát ra khỏi sự kìm kẹp của tàu sắt Trung Quốc”, ngư dân Vĩnh kể. Khi tàu cá Quảng Ngãi phóng nhanh bao nhiêu thì con tàu hải cảnh tăng tốc bấy nhiêu với dã tâm tấn công bằng được.

Tàu QNg 90617 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa. (Ảnh: Ngư dân chụp)

Theo ngư dân Vĩnh, màn rượt đuổi kéo dài quãng đường hàng chục hải lý. Tầm 3h, cú đâm chí mạng của tàu sắt Trung Quốc vào ngay cabin tàu cá khiến thuyền trưởng Thọ mất tay lái. Cả con tàu chao đảo trong giây phút giữa sự sống và cái chết.

Nhắc đến đây, ngư dân Võ Duy Khánh không giấu nổi bức xúc. Giọng phẫn uất, ngư dân có thâm niên gần 20 năm bám ngư trường Hoàng Sa, nói: “Đó là hành vi tàn ác, vô nhân đạo của Trung Quốc.

Bị húc mạnh, trong tích tắc, tàu cá chìm nghỉm, chỉ còn trồi lên vài tấc mũi con tàu. 8 anh em chỉ kịp quơ vội những chiếc áo phao để khoác lên người”, anh Khánh thuật lại.

 
Xác định ra khơi thì ngư dân chỉ lo đánh bắt, đảm bảo an toàn chứ ai đời lại đi gây hấn. Không có lý gì tàu nhỏ của chúng tôi tự dưng đi tấn công tàu sắt Trung Quốc to lớn vậy?

Thuyền viên Phạm Vĩnh

Thời khắc tàu QNg 90617 TS chìm giữa trùng khơi, những kẻ trên tàu Trung Quốc vẫn lẩn quẩn ở đó, trong khi những ngư dân Quảng Ngãi chới với giữa trùng khơi.

 

Ông Vĩnh cho hay, ông và 7 bạn thuyền trầm mình dưới nước biển lạnh cóng tầm 20 phút. Tiếng gào thét của các ngư dân rốt cuộc cũng khiến những kẻ đâm chìm tàu vớt họ lên.

8 ngư dân bị bắt giữ trái phép, tiếp tục trải qua khoảng thời gian cả chục tiếng đồng hồ bị hỏi cung.

“Từ dưới biển lên, lạnh thấu xương, vậy mà bọn họ không cho chúng tôi thay quần áo. Người nào người nấy run bần bật. Trong khi, bọn chúng cứ liên tục tra hỏi và vu khống tụi tui đánh bắt xâm phạm chủ quyền.

Tôi quả quyết đó là vùng biển của nước ta và ngư dân có quyền khai thác”, ngư dân Vĩnh nói và cho biết những người Trung Quốc đã ép họ lăn tay vào một biên bản được soạn sẵn bằng tiếng Trung mà ngư dân Việt Nam không hiểu nghĩa.

1 trong số 3 tàu sắt Trung Quốc tấn công các tàu cá Việt Nam. (Ảnh: Ngư dân chụp)

Trước việc người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vu khống rằng tàu cá Việt Nam đã đâm vào tàu hải cảnh Trung Quốc và chìm, ông Vĩnh phản bác: "Làm gì có chuyện chúng tôi đi đâm tàu của họ (Trung Quốc). Xác định ra khơi thì ngư dân chỉ lo đánh bắt, đảm bảo an toàn chứ ai đời lại đi gây hấn. Không có lý gì tàu nhỏ của chúng tôi tự dưng đi tấn công tàu sắt Trung Quốc to lớn vậy?".

Biển của mình, sao mình lại phải sợ?

Xúc động, nghẹn ngào là cung bậc cảm xúc của 8 ngư dân khi biết được rằng, thời điểm tàu cá của mình lâm nạn, 3 tàu cá cùng quê Quảng Ngãi dũng cảm lao tới tìm kiếm và cũng bị chính con tàu Hải cảnh của Trung Quốc rượt đuổi.

Đó là 3 tàu cá gồm QNg 90929 TS của ông Nguyễn Thanh Linh, QNg 90045 TS của ông Đặng Tằm và QNg 90399 TS của ông Đặng Dũng.

Và chính ông Dũng là người lái tàu đưa 4 trong số 8 ngư dân gặp nạn về tới đất liền vào trưa qua (4/4). Trong khi đó, thuyền trưởng Thọ và 3 thuyền viên còn lại đang theo chân tàu ông Linh bám trụ đánh bắt ở Hoàng Sa.

Các ngư dân khẳng định chắc nịch, sau khi hoàn thành 14 ngày cách ly theo quy định, họ sẽ tiếp tục "cưỡi" sóng ra Hoàng Sa.

“Khoảng 8h, bọn họ khống chế và lai dắt tàu anh Linh về gần nơi chúng tôi đang bị bắt giữ. 4 tiếng sau, tới lượt tàu anh Dũng cũng bị dồn ép về đây, trong khi tàu anh Tằm bị tàu Trung Quốc đâm gãy cabin.

Quả thực, những lúc hoạn nạn, luôn có anh em bạn thuyền sẵn sàng quên mình để tương trợ, chúng tôi thấy rất ấm lòng”, ngư dân Vĩnh xúc động bộc bạch.

Khi được hỏi, sau chuyến biển giông tố mới đây, các ngư dân có còn quyết tâm bám biển, ông Vĩnh và 3 thuyền viên còn lại khẳng định chắc nịch: “Chẳng có lý do gì khiến chúng tôi từ bỏ việc đánh bắt tôm cá ở quần đảo chủ quyền của đất nước. Biển của nước mình, mình khai thác. Hoàn thành xong cách ly y tế 14 ngày theo quy định, anh em lại theo các bạn thuyền đạp sóng ra lại Hoàng Sa”.

Khoảng 3h ngày 2/4, tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90617 TS có công suất 420 CV do ông Trần Hồng Thọ (33 tuổi, trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) làm chủ, trên tàu có 8 thuyền viên, khi đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc đâm chìm.

Sau khi bị đâm chìm, tàu Trung Quốc vớt 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS đưa về đảo Phú Lâm.

Sáng cùng ngày, nhận được tin báo, các tàu cá QNg 90929 TS của ông Nguyễn Thanh Linh, QNg 90045 TS của ông Đăng Tâm và tàu QNg 90399 TS của ông Đặng Dũng cùng chạy đến cứu nạn, cứu hộ.

Lúc này, các tàu cá tiếp tục bị tàu Trung Quốc truy đuổi, hai tàu cá QNg 90929 TS và QNg 90045 TS sau đó cũng bị bắt, lai dắt vào đảo Phú Lâm.

Đến khoảng 18h ngày 2/4, Trung Quốc giao 8 ngư dân của tàu QNg 90617 TS cho 2 tàu cá QNg 90929 TS, QNg 90045 TS và thả 2 tàu cá này cùng 8 ngư dân của tàu chìm về.

Ngày 3/4/2020, đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.

THANH BA

Tin mới