Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 23/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dường như chấp nhận thực tế rằng các lực lượng Ukraine sẽ không thể giành lại toàn bộ lãnh thổ như họ mong muốn.
“Tôi nghĩ rằng sẽ có lãnh thổ ở Ukraine mà người Ukraine quyết tâm chiến đấu trên thực địa; có thể có lãnh thổ mà họ quyết định sẽ phải cố gắng lấy lại bằng những cách khác", ông Blinken nói.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: AP)
Tuy nhiên, ông Blinken lập luận rằng "Ukraine phải quyết định tương lai của họ sẽ như thế nào, những vùng đất nào thuộc về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập của đất nước họ".
Đây là nội dung trả lời của Ngoại trưởng Blinken trước câu hỏi của nghị sĩ đảng Cộng hòa Chris Stewart liệu Mỹ có ủng hộ Tổng thống Volodymyr Zelensky trong việc tìm cách lấy lại Crimea - Nga sáp nhập vào năm 2014, hay không?
Ngoại trưởng Antony Blinken nhiều lần nói rằng xung đột Nga - Ukraine sẽ cần phải kết thúc bằng ngoại giao song bác triển vọng đàm phán trong thời gian ngắn. Ông cáo buộc Moskva không nghiêm túc, nhấn mạnh Washington sẽ tập trung vào việc hỗ trợ quân đội Ukraine đối phó Nga.
Xung đột Nga - Ukraine diễn ra hơn một năm và chưa có hồi kết. Mới đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây không loại trừ khả năng xung đột ở Ukraine có thể kéo dài.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 24/2 công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm về xung đột Nga - Ukraine trong ngày đánh dấu 1 năm chiến sự. Kế hoạch kêu gọi chấm dứt chiến sự, nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, bảo vệ nhà máy hạt nhân và ngưng các biện pháp trừng phạt.
Hôm 20/3, Tổng thống Vladimir Putin nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Nga sẵn sàng thảo luận về các đề xuất của Trung Quốc nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moskva không thấy cơ hội để đàm phán hoà bình với Kiev. Trong khi đó, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nói rằng Nga không thấy có điều kiện tiên quyết để chuyển sang trạng thái hòa bình ở Ukraine.
Theo ông Peskov, Nga sẽ tiếp tục hướng đến việc giành các mục tiêu mà nước này đề ra bằng cách tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Phương Tây liên tục bơm vũ khí cho Ukraine chống lại Nga. Nga cho rằng, quyết định của Mỹ và các nước NATO cung cấp xe tăng cho Ukraine khiến cho đàm phán giữa Nga và Ukraine trở nên “vô nghĩa”.
Mới đây, Tổng thống Ukraine nêu lý do không đàm phán với Nga. Ông Zelensky cho biết ông không có lựa chọn để nói chuyện với Tổng thống Vladimir Putin "vì ông ấy không giữ lời". Theo ông Zelensky, quân đội Nga phải rút lui khỏi Ukraine, nhấn mạnh chỉ khi đó Chính phủ Ukraine mới tính đến giải pháp ngoại giao.