Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật như thi ca, điện ảnh, sân khấu... Để thể hiện hình tượng Bác trên màn ảnh ở từng giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, nhiều nghệ sĩ đã dành tâm huyết nghiên cứu, tìm tòi và thành công nhất định trong việc tạo dấu ấn trong lòng công chúng.
NSƯT Tiến Hợi
Nhắc đến hình tượng Bác Hồ trên màn ảnh, NSƯT Tiến Hợi là cái tên đầu tiên mà khán giả nhớ tới. Ông là người thể hiện thành công nhất vai Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ trên phim truyền hình, điện ảnh mà còn ở sân khấu. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, ông từng đóng vai Bác Hồ hơn 40 lần.
NSƯT Tiến Hợi ông lần đầu vào vai Bác Hồ năm 1987, khi Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu 2 nơi ông công tác dựng vở kịch Đêm trắng. Xem duyệt vở tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động tặng hoa cho Tiến Hợi. Nghệ sĩ từng kể: "Tôi nhìn thấy Đại tướng nước mắt giàn giụa, miệng Đại tướng cười và bắt tay tôi: ‘Cảm ơn! Cảm ơn rất nhiều!”.
Sau khi hoá trang, NSƯT Tiến Hợi gây ngỡ ngàng vì ngoại hình giống với Bác Hồ.
Năm 1988, Tiến Hợi chuyển về Nhà hát Kịch Hà Nội và đóng vai Bác Hồ trong nhiều vở. Năm 1989, ông được mời đóng vai Nguyễn Tất Thành trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn. Bộ phim điện ảnh thứ hai mà ông tham gia là Hà Nội mùa đông năm 46, vào vai Bác Hồ khi đã 56 tuổi.
Để thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh chân thực nhất, NSƯT Tiến Hợi dành nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu ở mỗi giai đoạn lịch sử, học theo phong cách, dáng đi, cách làm việc của Bác. Vì nghiên cứu nhiều và kỹ nên ông hình dung ra phong thái của Bác rất nhanh: "Tôi chỉ cần nghĩ về Bác thì hình ảnh của Bác đã hiện ra trong đầu tôi như một cuốn phim liên tục. Khi tôi nghe giọng nói của Bác thì tôi luyện để có một chất giọng tương đối giống Bác, tôi nghiên cứu rất kỹ để tông giọng tôi hòa vào tông giọng nói của Bác, độ nhấn nhá, dứt khoát, cách nhả âm, cách nói, chất xứ Nghệ sẽ thế nào".
NSƯT Tiến Hợi và vợ - nghệ sĩ Vương Đạm Thuỷ.
Người hóa trang cho Tiến Hợi khi vào vai Bác Hồ luôn là vợ ông, nghệ sĩ Vương Đạm Thuỷ.
Nghệ sĩ Tiến Hợi qua đời ngày 10/2/2022 ở tuổi 63, sau thời gian dài điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối.
NSƯT Trần Lực
Hình tượng Nguyễn Ái Quốc trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong do NSƯT Trần Lực thể hiện được coi là vai diễn đặc biệt nhất trong sự nghiệp của anh, đem về cho anh giải Mai Vàng 2003 cho hạng mục ''Nam diễn viên được yêu thích''.
NSƯT Trần Lực tái hiện hình tượng Bác Hồ trong giai đoạn ở Hong Kong.
Trong một chương trình truyền hình, NSƯT Trần Lực chia sẻ: “Khi đoàn làm phim mời tôi thử vai rồi chính thức để tôi đảm nhận vai diễn, tôi thấy vô cùng sung sướng. Đối với tôi, đây là cơ hội đặc biệt để thử sức mình, mặc dù đó là vai diễn khó. Được vào vai Nguyễn Ái Quốc trong bộ phim là niềm vinh hạnh lớn với tôi. Vì thế, tôi và đoàn làm phim đều làm việc hết mình”.
Dù ngoại hình không có nhiều nét giống Bác nhưng NSƯT Trần Lực vẫn vào vai vị lãnh tụ rất thành công. Để đạt điều này, anh cùng đạo diễn Khắc Lợi đã tìm hiểu rất nhiều bộ phim tư liệu về những năm tháng lịch sử đó, tìm gặp những chứng nhân lịch sử đã có thời gian bên cạnh Bác. Họ cũng vào Bảo tàng Hồ Chí Minh để tìm lại tư liệu về những hoạt động thời trẻ của Bác từ khi ở Pháp cho tới khi về đến Hong Kong, đặc biệt lưu ý đến khoảng thời gian Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hong Kong.
NSND Bùi Bài Bình
Năm 2015, khi thông tin NSND Bùi Bài Bình sẽ thể hiện vai Bác Hồ trong phim Người tiên tri được công bố, nhiều khán giả ngạc nhiên, tỏ ý nghi ngờ vì cho rằng ngoại hình của anh không phù hợp để vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đạo diễn Vương Đức còn nói đùa, việc mời Bùi Bài Bình đóng vai Bác khiến “cả ngành Điện ảnh lo ngại”.
NSND Bùi Bài Bình có sự đầu tư lớn để hoá thân vào vai Bác Hồ.
Tuy nhiên, với sự nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng, NSND Bùi Bài Bình đã để lại ấn tượng đậm nét với khán giả khi thể hiện hình tượng vị lãnh tụ. Để đóng vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã phải đi làm lại răng, nuôi râu, sửa tóc, hóa trang kỹ phần tai, mắt. Có khoảng thời gian, ông chỉ uống cà phê, ăn kiêng đến lả người để giảm được 6 kg cho có ngoại hình giống Bác thời ở Việt Bắc. Trước thời gian bấm máy, ông còn cất công đi học tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và tiếng Nga.
Nói về vai diễn này, NSND Bùi Bài Bình từng tâm sự: “Tôi luôn mong đó là một nén hương, một sự chân thành, một tấm lòng của hậu thế đối với thế hệ tiền bối như cụ Hồ, cụ Giáp… Chúng tôi đã làm bộ phim này với tất cả sự biết ơn, trân trọng”.
Mạnh Trường
Bên cạnh những gương mặt gạo cội, Mạnh Trường là một trong số ít diễn viên trẻ được đóng vai Bác Hồ. Anh thể hiện hình ảnh của Bác trong những năm 1928 - 1929, khi Bác đang hoạt động ở Xiêm (Thái Lan) với bí danh Thầu Chín. Ở đây, Nguyễn Ái Quốc đã xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.
Dù là diễn viên trẻ nhưng Mạnh Trường đã thể hiện khá tròn trịa vai diễn Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm 1928 - 1930.
Mạnh Trường từng chia sẻ, anh được đạo diễn Bùi Tuấn Dũng mời vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh thời trẻ trong phim Thầu Chín ở Xiêm khi đang đóng phim Đường lên Điện Biên. Cảm xúc lúc đó của anh là bất ngờ, vui sướng và vinh dự.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng tiết lộ lý do chọn Mạnh Trường: Nam diễn viên cùng độ tuổi với Bác thời đó. Ngoài ra, Mạnh Trường có ngoại hình cao ráo, đời sống nghiêm túc, diễn xuất tốt và có chiều sâu.
Để hoàn thành trọn vẹn vai này, Mạnh Trường đầu tư nhiều thời gian tìm hiểu các tư liệu, bộ phim về Bác. Trong từng phân cảnh, nam diễn viên sinh năm 1985 luôn phân tích kỹ, mường tượng cụ thể mình sẽ diễn ra sao. Ngoài ra, để có ngoại hình hao hao Bác thời trẻ, Mạnh Trường giảm 6 kg trong vòng một tháng. Anh ăn chế độ giảm cân, tăng cường tập thể dục. Có những thời điểm, Mạnh Trường gần như bị lả đi vì đói khi đang quay phim.
Sau tất cả sự nỗ lực của Mạnh Trường, vai Bác Hồ thời trẻ mà anh thể hiện đã nhận được nhiều lời khen ngợi của khán giả cũng như người làm nghề.