Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vẻ đẹp hút hồn của cây hoa gạo cổ Bắc Giang

(VTC News) -

Cây gạo song sinh cổ thụ trên đoạn đê sông Thương chạy qua cánh đồng Đông Loan (xã Lãng Sơn, Yên Dũng, Bắc Giang) nở rộ hoa, đẹp hút hồn du khách.

Mỗi độ tháng Ba về, "cây gạo song sinh" mọc ven đê bối bên bờ sông Thương thuộc thôn Tân Mỹ, xã Lãng Sơn lại trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh. Nhiều du khách ở các tỉnh xa cũng lặn lội đến đây để ngắm hoa và chụp hình kỷ niệm dưới cây gạo rực đỏ.

Cây gạo Lãng Sơn được công nhận là “Cây cổ thụ có giá trị lịch sử-văn hóa”.

Tranh thủ ngày nghỉ, chị Trần Vân Anh, một cán bộ Hà Nội đến ngắm cây gạo Lãng Sơn và thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp này: “Khác với các cây gạo đầu làng, đầu thôn hay bãi đất trống khác, cây gạo Lãng Sơn lđược bao quanh bởi cánh đồng rộng thẳng cánh cò bay và dòng sông thơ mộng. Từ xa nhìn về nơi ấy, thấy cây gạo đỏ rực, nổi bật trên nền trời xanh, tôi có cảm giác như hồn quê hút hết vào đó, vừa yên bình, vừa có gì đó rất sâu thẳm, da diết khiến chúng tôi như được sống lại thời chăn trâu cắt cỏ”.

Mỗi độ hoa nở, cây gạo Lãng Sơn thu hút đông đảo du khách.

Là người Bắc Giang nhưng lần đầu tiên được chiêm ngưỡng cây gạo sinh đôi Lãng Sơn, liền chị Nguyễn Thị Hiền không khỏi xúc động: “Trước vẻ đẹp của cây gạo cổ này, liền chị quan họ chúng tôi cảm thấy như được trở về tuổi thơ với sự bình yên của làng quê Bắc Bộ. Nó truyền cảm hứng cho chúng tôi trong từng lời ca, giọng hát với âm điệu 'vang, dền, nền, nảy' của người quan họ. Thật tuyệt vời khi quê hương Bắc Giang vẫn lưu giữ và bảo tồn được giá trị, vẻ đẹp thơ mộng thế này”.

Hoa gạo rực rỡ trên nền trời tạo ra khung cảnh thật thanh bình, thu hút không ít du khách.

Theo người dân địa phương, cây gạo cổ song sinh này đã tồn tại hơn 100 năm, bên cạnh gốc cây là ngôi miếu Bà Cô. Tương truyền, bà là tướng lĩnh của anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám. Trong một lần đưa quân xuống bảo vệ khu Phủ Lạng Thương, bà bị giặc truy đuổi, bao vây. Không chấp nhận bị địch bắt, bà trẫm mình xuống sông Thương, xác trôi dạt vào khu vực cây gạo hiện nay và được nhân dân địa phương chôn cất. 

Gần 70 năm sinh sống ở đây, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Tân Mỹ tự hào: “Với người dân chúng tôi, cây gạo song sinh gắn liền với sự tích miếu Cô cũng là cây bóng mát bao đời, là chỗ nghỉ ngơi mỗi khi bà con đi làm đồng. Trong tiết trời mùa hè, việc ngồi tựa mình bên gốc cây gạo vừa đẹp, cổ kính, vừa linh thiêng cho chúng tôi cảm giác thư thái giữa bộn bề cuộc sống”.

Hoa gạo nở rộ trong tháng 3.

Theo biên bản thẩm định để lập hồ sơ của Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bắc Giang, cây gạo này cao 27,5m, diện tích phủ tán 120m2, đường kính thân cây 2,4m. Nó được xem như "trái tim văn hóa" của cả một vùng quê.

Theo thống kê của Ban quản lý thôn Tân Mỹ, mỗi mùa hoa gạo nở, nơi đây thu hút khoảng 5.000 khách. Nắm bắt thế mạnh này, UBND xã Lãng Sơn lập đề án, đưa nơi này thành điểm du lịch của địa phương với sản phẩm tiêu biểu là văn hóa - tâm linh và khám phá - trải nghiệm.

Ông Vũ Trí Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Lãng Sơn cho biết, nhận thức được giá trị lớn của cây gạo đối với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, xã đã chỉ đạo Ban quản lý thôn Tân Mỹ triển khai các phương án quản lý, bảo vệ cây.

Thời gian tới chúng tôi sẽ khoanh vùng bảo vệ, bố trí người trông nom, đẩy mạnh việc tuyên truyền để người đến tham quan có ý thức chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cây cối. Ngoài ra, chúng tôi cũng xúc tiến sớm việc hoàn thiện đề án phát triển du lịch cây Gạo gắn với miếu Bà Cô, chủ yếu theo hình thức cộng đồng”, ông Văn nhấn mạnh.

Cùng ngắm vẻ đẹp hút hồn của cây gạo cổ Lãng Sơn:

Tháng 3, hoa gạo thắp sáng cả vùng quê.

Hoa gạo gắn liền với khung cảnh làng quê thanh bình.

Vẻ đẹp của hoa gạo nổi bật trên nền trời.

Cây gạo song sinh trên đê xã Lãng Sơn đã trở thành điểm đến hấp dẫn mỗi độ hoa nở.

Mỗi ngày có hàng trăm du khách trong và ngoài tỉnh đổ về thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng cây gạo.

Cùng ngắm vẻ đẹp của hoa gạo qua những bức ảnh cận cảnh.

Tiến Dũng- Văn Chương

Tin mới