Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nghỉ việc đưa con đi thi tốt nghiệp THPT, bố mẹ không chịu để cho trẻ lớn?

(VTC News) -

Con 18 tuổi rồi mà bố mẹ vẫn hầu tận răng, xin nghỉ việc cả mấy ngày để đưa đi thi, ngồi chờ cả buổi để đón về, họ có chịu để con mình trưởng thành nữa không?

Cuộc họp giao ban sáng nay của cơ quan tôi khá căng thẳng vì có đến 4 chị báo nghỉ 2 ngày 28 - 29/6 để đưa đón con đi thi tốt nghiệp THPT. Hai chị đã đăng ký cắt phép từ nhiều ngày trước nên được sếp chấp nhận. Hai người còn lại chỉ được phép chọn đi làm trễ hoặc về sớm một tiếng. Dù sếp nói chẳng lý do gì đưa con đi thi mà nghỉ cả ngày, những người mẹ hết lòng này nói rằng họ phải đồng hành với con trong mấy ngày quan trọng có ý nghĩa then chốt này của cuộc đời chúng.

Đồng nghiệp gánh việc cho nhau trong những ngày con trẻ bước vào kỳ thi quan trọng là cách thể hiện sự đoàn kết, cảm thông, chia sẻ ở chốn công sở. Nhưng điều không ổn là nhiều người coi chuyện nghỉ làm khi con thi cử, đặc biệt với kỳ thi quyết định việc trẻ vào đại học – là đương nhiên. Coi đây là ngưỡng cửa quan trọng bậc nhất trong đời đứa trẻ, họ dường như cho rằng cả xã hội phải xoay quanh chuyện thi cử của con mình, tạo mọi điều kiện để bố mẹ phục vụ thí sinh từ A đến Z. Vì thế, nhiều phụ huynh không hề thấy mình vô lý khi oán giận sếp, bởi sếp từ chối cho họ nghỉ làm ngày con đi thi.

Cảnh phụ huynh đợi con bên ngoài điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại Hà Nội. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

Câu khẩu hiệu “đồng hành với thí sinh” được cả xã hội nhiệt thành ủng hộ nhiều năm qua có vẻ như đang khiến nhiều người trở nên quá đà, khiến ý nghĩa hai chữ “đồng hành” trở nên méo mó. Xin nhớ cho, những thí sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đều đã hoặc sắp tròn 18 tuổi. Kết thúc 12 năm phổ thông cũng là bắt đầu thời kỳ trưởng thành, bước ra cuộc đời như một thực thể độc lập, tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình. Đứa con 18 tuổi không cần chăm bẵm từng li từng tí như đứa con vào tiểu học hay THCS. Đồng hành  với con, thể hiện rằng bố mẹ luôn ở bên con, không cần và không nên bằng cách bỏ việc để đưa đón, và ngồi chờ ngoài cổng suốt cả mấy tiếng thí sinh làm bài thi, đằng đẵng vài ngày cho đến khi kỳ thi kết thúc. Cũng không nên quá cổ vũ việc các tình nguyện viên hay cảnh sát giao thông lao như tên bắn để hộ tống thí sinh ngủ quên, lạc đường… đến phòng thi kịp lúc, chuyện vẫn xảy ra trong các kỳ thi trước.

Nếu muốn con bạn trưởng thành, hãy để chúng coi kỳ thi này như một trong nhiều ngưỡng cửa cần bước qua với tâm thế của một người lớn: Chuẩn bị kỹ càng, nỗ lực để có kết quả tốt nhất, không cần cả vòng người đứng xung quanh vỗ tay cổ vũ như đứa trẻ tập đi. Không chỉ chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng làm bài, các thí sinh còn phải tự lập trong việc đến phòng thi, bao gồm tính toán phương án di chuyển, sao cho đảm bảo đến đúng điểm thi, đúng giờ thi ngay cả trong tình huống thực trạng giao thông tệ nhất. Đưa con đi thi cũng chỉ nên coi là một trong các phương án, có thể lựa chọn tùy theo hoàn cảnh. Đừng nghĩ rằng nếu bố mẹ không đích thân đưa đi thì không thể hiện được tình cảm và sự quan tâm, ảnh hưởng đến tâm lý và kết quả thi của con. Nghĩ như vậy, bạn đang coi đứa con 18 tuổi của mình là em bé chứ không phải một chàng trai hay cô gái.

Nếu coi kỳ thi này là ngưỡng quan trọng với tư cách người trưởng thành, thí sinh càng cần phải được đối xử như người trưởng thành, nghĩa là phải tự lập và tự chịu trách nhiệm. Thí sinh phải coi chuyện đi thi cũng là một việc bình thường phải làm, không cần vì thế mà mình cần được dành mọi ưu tiên, chăm bẵm.

Phụ huynh hãy thôi phục vụ tận răng, thôi nghỉ việc để hóng con cả ngày ngoài trời nóng hay để nấu nướng đợi con về ăn. Không chỉ ảnh hưởng đến cơ quan, đồng nghiệp, làm vậy là họ đang ngăn cản sự trưởng thành của con mình, góp phần tạo ra những đứa trẻ không chịu lớn. Nói đúng hơn, những phụ huynh này đang không chịu để cho con mình lớn.

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ quan điểm của bạn ở box bình luận bên dưới.

(*) Quan điểm của tác giả các bài viết trong mục Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm của tòa soạn.

Trần Hồng

Tin mới