Sốt ruột vì nghỉ nhiều
Bạn Nguyễn Thanh Thảo, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ, thời gian nghỉ chống dịch Covid-19 (nCoV) đúng vào dịp nghỉ Tết, nên lúc đầu bản thân cảm thấy khá hào hứng. Tuy nhiên, sau một vài tuần, Thảo nóng lòng muốn được quay trở lại trường.
Thanh Thảo sốt ruột bởi đang là kỳ học năm cuối với khối lượng kiến thức khá nhiều. Nếu kỳ nghỉ tiếp tục kéo dài hơn nữa sẽ rất khó sắp xếp kế hoạch học tập. Thêm một lý do khác là Thảo thấy nhớ bạn bè và thầy cô.
Tương tự, bạn Gia Khánh, một sinh viên năm cuối cũng bày tỏ sự lo lắng khi lịch thi, lịch nộp bài tập cuối môn liên tục được điều chỉnh. Thậm chí có tuần thi liên tiếp 5 – 6 môn học, khiến đại đa số sinh viên lúng túng trong việc sắp xếp kế hoạch ôn tập, hoàn thành các bài tiểu luận, sản phẩm thực hành… Từ đó dẫn đến kết quả học tập không tốt là điều khó tránh khỏi.
(Ảnh: Zing)
Sinh viên năm nhất Trần Hoàng Yến, Đại học Thủy Lợi cho biết, học kỳ II lịch học dày hơn, nên nếu tiếp tục nghỉ việc học sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Việc ghi nhớ kiến thức, hoàn thành bài luận từng môn bị dồn lại quá nhiều vào cuối kỳ học, khiến Yến và các bạn vô cùng căng thẳng.
Đó là chưa kể tới việc sắp xếp lịch học bù vào các ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật. Việc học bù vào buổi tối cũng khiến nhiều sinh viên hoang mang.
Với sinh viên học các chuyên ngành đặc thù về sân khấu, cần thực hành thường xuyên trên lớp thì việc nghỉ học dài ngày là bất lợi lớn.
Theo Nguyễn Diệu Linh, sinh viên khoa Kịch hát dân tộc, Đại học Sân khấu Điện ảnh, học các chuyên ngành về sân khấu, đặc biệt là những bộ môn kết hợp giữa hát múa và diễn xuất thì việc luyện tập trên lớp học thường xuyên là yêu cầu rất quan trọng. Chỉ cần nghỉ một buổi, kiến thức cũng phai nhạt chưa nói đến việc nghỉ nhiều tuần như hiện nay.
Để việc học tập của sinh viên không bị gián đoạn, một số trường đại học triển khai phương pháp học trực tuyến thay thế như: Học viện Chính sách và Phát triển tổ chức học trực tuyến qua hệ thống quản lý học tập Learning Management Systems (LMS); Cao đẳng FPT Polytechnic tổ chức học trên các nền tảng online CMS, Google Hangouts Meet…
Tuy nhiên, bạn Nguyễn Bá Nam, Cao đẳng FPT Polytechnic bày tỏ: "Việc học online không hiệu quả bằng việc học trực tiếp trên lớp. Khi học thường mất tập trung, chưa kể đường truyền Internet kém, tạp âm khi truyền âm thanh cũng khiến việc học bị gián đoạn".
Dù nhiều phương pháp học khác được thay thế nhưng hầu hết sinh viên trong cả lớp Nam đều sốt ruột, chờ đến ngày được đi học trở lại để bắt kịp tiến độ học tập. "Sức khỏe là quan trọng, nhưng nếu biết cách phòng tránh, giữ gìn vệ sinh có lẽ mọi việc sẽ không đáng ngại", Nam nói.
Chủ động tự bảo vệ bản thân
Nhiều trường đại học thông báo sẽ cho sinh viên, học viên quay trở lại vào tuần tới, bắt đầu từ 17/2. Để đảm bảo sức khỏe, các sinh viên đã tự chủ động trong việc trang bị những biện pháp cần thiết.
Bạn Lê Thái Bình, sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia cho biết, bản thân không quá sợ hãi trước Covid-19 bởi Việt Nam có đội ngũ bác sĩ giỏi và công tác phòng chống dịch rất tốt. Tuy nhiên Bình cho rằng sinh viên, học sinh khi quay lại trường cần chuẩn bị cho mình những biện pháp phòng dịch cơ bản như: Sử dụng khẩu trang khi đến trường, rửa tay bằng cồn hoặc nước rửa tay khô trước khi vào thang máy và sau khi tiếp xúc với những vật dụng nơi công cộng.
Sinh viên chủ động trang bị các biện pháp bảo vệ cá nhân khi quay trở lại trường học.
Ngô Hoàng Lâm, sinh viên Đại học Thương mại cũng cho rằng, chỉ cần tăng cường rèn luyện sức khỏe, vệ sinh đúng cách theo khuyến cáo, giữ thái độ lạc quan mỗi ngày, có lẽ bệnh sẽ "biến mất".
Bên cạnh đó, nhà trường đã trang bị cồn diệt khuẩn và nước rửa tay ở các hành lang khu giảng đường nên sinh viên hoàn toàn có thể an tâm đến trường đi học bình thường.
Đại đa số sinh viên đều có tâm lý yên tâm phần nào khi các trường đang ráo riết thực hiện các biện pháp phòng, chống phun khử khuẩn. Các trường cũng đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và cung cấp thông tin dịch bệnh tới sinh viên hàng ngày; phun thuốc khử trùng các khu giảng đường; đặt nước rửa tay khô tại khu vực công cộng, phát khẩu trang miễn phí cho sinh viên…
Địa phương không có dịch, học sinh có thể đi học trở lại
Ngày 13/2, Bộ GD&ĐT có công văn yêu cầu các Sở GD&ĐT, đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm tăng cường các biện pháp phòng, chống Covid-19 (nCoV) khi học sinh, sinh viên đi học trở lại trường.
Bộ cho rằng với các địa phương không có dịch có thể cho học sinh đi học trở lại sau khi đã tiêu độc, khử trùng, vệ sinh bàn ghế, thiết bị dạy học, lớp học, đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh cho học sinh.
Các trường cần hướng dẫn học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên về cách thức phòng chống bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm. Đồng thời, nhà trường nên tăng cường tuyên truyền, phổ biến về dịch bệnh Covid-19, giúp cho học sinh biết cách phòng bệnh.
Với các địa phương có báo cáo trường hợp bị bệnh, ngoài yêu cầu trên cần tiếp tục theo dõi sát tình hình và chỉ cho học sinh đi học trở lại khi đã có các biện pháp phòng bệnh cho học sinh.
Những trường đại học cho sinh viên đi học trở lại: Đại học Luật TP.HCM, Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP.HCM, Đại học Công nghiệp TP.HCM, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, Đại học Sư phạm 2, Đại học Thái Nguyên...