Thông tin nhân vật: Mẹ: Hoài Mong Bé: Gấu |
Không biết các mẹ đi đẻ thế nào, còn với mình đúng là trải nghiệm không bao giờ quên. Mình không được may mắn, thuận lợi như các mẹ các, thai kỳ mới đầy 29 tuần thì con mình đã chào đời rồi. Hôm đó mình vừa tan làm về thì bị ra huyết, lúc đó sợ vô cùng, hai vợ chồng bắt vội cái taxi để lên viện kiểm tra. Sau một hồi thăm khám, bác sĩ không tìm ra được nguyên nhân nên đề nghị chuyển viện cho mình lên Phụ sản Trung ương Hà Nội.
Bé Gấu sinh non ở tuần 29 (Ảnh: NVCC)
Đến viện Phụ sản Trung ương, các bác sĩ khám và kết luận mình bị dọa đẻ non cần phải nằm viện theo dõi. Mình nhập viện và được chuyển lên nằm ở tầng 3. Ở đây cũng rất nhiều sản phụ bị dọa đẻ non như mình. Các bác sĩ tiêm và truyền cho mình thuốc để giữ con và ngăn cơn gò. Dù đã truyền thuốc nhưng mình vẫn bị ra huyết và đau bụng giống như đến tháng. Nằm trong phòng bệnh, cứ thi thoảng lại có một mẹ bị vỡ ối phải đi mổ gấp khi thai mới được 25 – 26 tuần. Lúc đó mình hoang mang và sợ hãi vô cùng mà không làm gì được ngoài việc cầu nguyện cho con được bình an.
Nằm viện 2 ngày rồi mà mình vẫn ra huyết liên tục. Đến ngày thứ 2, lúc 1 giờ sáng mình thấy đau bụng dữ dội. Mình vội gọi ngay bác sĩ vào kiểm tra thì được thông báo “Mở 3 phân rồi, báo người nhà chuyển sản phụ xuống phòng đẻ gấp”. Khi đó bác sĩ cũng thông báo trước rằng con mình chỉ có 30% cơ hội sống sót mà thôi. Nghe xong điều đó mình thực sự bàng hoàng, cảm giác như trời đất sụp đổ đến nơi.
Bé Gấu được 15 tháng (Ảnh NCVV)
Vào phòng sinh mình vẫn đau bụng khủng khiếp, nhưng lúc đó mình không kêu một chút nào. Không phải là mình giỏi chịu đau, mà vì mình quá lo lắng, lúc đó chỉ cầu nguyện con bình an ra đời, dù có đau hơn thế mình vẫn có thể cắn răng mà chịu đựng được. Nằm cùng phòng sinh với mình còn một sản phụ nữa đang đợi mổ vì khó đẻ. Thấy mẹ ấy kêu la ghê lắm, nhưng mình cắn răng không dám kêu.
Trong phòng sinh khi đó chỉ có một bác sĩ thôi. Lúc cơn gò mạnh quá mình mới bảo bác sĩ: “Cô ơi cháu có cơn rặn mạnh, hình như cháu sắp đẻ rồi.” Khi đó bác sĩ bảo mình rằng: “Khi nào vỡ ối thì mới đẻ được”. Nói xong bác sĩ đi ra ngoài, nhưng chưa kịp bước chân ra đến cửa thì “bụp” một cái mình vỡ ối.
Thấy vậy bác sĩ vội vã chạy vào ngay, may mà vẫn kịp đưa tay ra đỡ lấy con mình. Nghe tiếng con khóc, mình thở phào nhẹ nhõm, lúc đó cảm giác hạnh phúc đến tột bậc. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, con vừa ra đời bác sĩ vội bế đi ngay, chuyển con xuống khoa cấp cứu nhi.
Con mình ra đời chỉ được 1,4 kg phải nằm lồng ấp và thở máy hoàn toàn. Mình sinh thường nên chỉ sau 2 ngày đã được ra viện, còn con mình thì vẫn phải nằm trong phòng cấp cứu. Vợ chồng mình tìm thuê một phòng trọ gần viện để tiện chăm lo cho con hàng ngày. Suốt một tuần đầu, chồng nhất quyết không cho mình vào thăm con. Nhưng vì quá lo lắng và xót ruột mình nhất quyết đòi vào. Không khuyên ngăn được nên anh đưa mình vào viện.
Ở phòng cấp cứu nhi mỗi ngày người nhà chỉ được vào thăm 2 lần và mỗi lần chỉ được một chút xíu thời gian mà thôi. Muốn vào cũng phải xếp hàng rất dài. Vì mình là sản phụ nên được ưu tiên vào trước. Lần đầu tiên nhìn thấy con mình khóc ghê gớm lắm, đến nỗi bác sĩ phải đến động viên mình hết sức bình tĩnh, mẹ khỏe thì con mới khỏe được. Nhưng nhìn con bé tí tẹo nằm trong lồng ấp, khắp người dây rợ quấn quanh, con thở máy hoàn toàn mà mình không kìm được nước mắt. Dù trong lòng cố nhủ phải mạnh mẽ lên nhưng nước mắt vẫn cứ rơi suốt cho đến tận khi trở về đến phòng trọ.
Bé Gấu hiện tại khỏe mạnh, ăn uống tốt và ít ốm vặt (Ảnh: NVCC)
Chồng mình bảo: “Biết vậy anh không cho em vào, đợi khi nào con khỏe mới đưa em vào thăm.” Khi đó mình chỉ ngồi im lặng, không nói gì. Hình ảnh con trong lồng ấp cứ hiện mãi trong tâm trí, ám ảnh mình. Suốt 2 tháng con nằm viện, có những khi nửa đêm bác sĩ gọi chồng mình vào gấp vì con phải cấp cứu. Anh chẳng kịp cả thay quần áo chạy vào viện ngay, còn mình thì hoảng loạn thực sự.
2 tháng ròng rã con chiến đấu trong bệnh viện cũng là 2 tháng dài nhất trong cuộc đời của mình. Nhưng bé Gấu của mình dũng cảm lắm, cuối cùng con cũng chiến thắng số phận và được ra viện. Ngày bế con rời bệnh viện mình hạnh phúc đến nỗi không biết phải dùng từ ngữ gì diễn tả cho hết.
Thế nhưng khó khăn vẫn chồng tiếp khó khăn, mình lại bị mất sữa. Dù cố gắng ăn uống đủ kiểu mà vẫn không có sữa về trở lại. Hàng ngày hai vợ chồng phải đi xin sữa cho con và pha thêm sữa ngoài. Cũng may mình có bà dì biết cách trị mất sữa, uống thuốc dì mua mấy ngày thì mình có sữa trở lại. Cũng từ đó con mình được bú mẹ hoàn toàn. Nhờ thế nên “trộm vía” bé cũng khỏe mạnh.
Giờ con mình được 15 tháng rồi, bé ăn uống tốt và gần như không đau ốm gì. Cứ mỗi lần nhớ lại chuyện đi đẻ mình vẫn còn giật mình sợ hãi. Nhưng giờ thì mọi thứ đã ổn cả rồi, đối với mình chỉ cần con khỏe mạnh, phát triển tốt là mãn nguyện lắm rồi, không mong đợi thêm điều gì hơn nữa.