Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nghề 'canh voọc' ở núi Đôi

Theo chân nhân viên bảo vệ, chúng tôi đã có một chuyến tuần tra "canh voọc" ở phía bên ngoài hàng rào điện tử bao quanh núi Đôi (Bố Trạch, Quảng Bình)

Khu tái thả bán hoang dã voọc Hà Tĩnh và voọc chà vá chân nâu do Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) quản lý có diện tích khoảng 21ha luôn được theo dõi, bảo vệ rất nghiêm ngặt trong suốt 15 năm qua. Nhờ đó, nơi đây đã trở thành lãnh địa đặc biệt của loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm này...

Lãnh địa đặc biệt nói trên có vị trí tại khu vực núi Đôi thuộc thị trấn Phong Nha (Bố Trạch).Theo chân ông Nguyễn Văn Luật, nhân viên bảo vệ của trung tâm, chúng tôi đã có một chuyến tuần tra "canh voọc" ở phía bên ngoài hàng rào điện tử bao quanh núi Đôi. Thông thường, mỗi chuyến tuần tra quanh núi Đôi phải mất chừng 3 tiếng đồng hồ, lúc đường xấu thì chừng 4 tiếng.

Các cá thể voọc Hà Tĩnh

Vừa đi, ông Luật vừa cho biết: "Suốt mười mấy năm qua, hầu như ngày nào anh em chúng tôi cũng phải đi bộ một vòng quanh bên ngoài hàng rào điện tử của núi Đôi để tuần tra. Công việc này nhằm giúp chúng tôi kịp thời phát hiện các hành vi săn bắn, đặt bẫy làm tổn hại đến hệ sinh thái, động vật nơi đây; đồng thời, phát hiện cây cối ở hai bên đổ dựa vào, cũng như các hư hỏng xuất hiện ở hàng rào điện tử nhằm khắc phục sửa chữa. Nếu phát hiện muộn, có thể dẫn tới việc các động vật hoang dã ở trong khu núi Đôi men theo đó mà vượt thoát ra bên ngoài hoặc ngược lại. Thực tế cách đây vài năm, nơi đây đã từng xuất hiện một đàn khỉ chừng vài chục con từ bên ngoài men theo những cành cây gãy dựa vào hàng rào để xâm nhập sâu bên trong. Chúng tấn công đàn voọc ở phía trong để tranh giành lãnh địa. Có thể đàn voọc đã chiến thắng nên đàn khỉ lạ buộc phải "rút quân" theo cung đường cũ".

Không chỉ tuần tra phía bên ngoài hàng rào điện tử, hầu như tháng nào cán bộ, nhân viên trung tâm cũng phải thực hiện tuần tra ở phía bên trong hàng rào điện tử để kiểm tra được sâu sát hơn. Những lần như thế, hầu hết các cán bộ, nhân viên của ở đây đều tập hợp đông người và phải mang theo dụng cụ hỗ trợ, áo quần bảo hộ...

"Nghề "canh voọc" ở núi Đôi gian nan lắm. Dù rất cẩn trọng mỗi lần vào bên trong hàng rào điện tử, thế nhưng, việc cán bộ, nhân viên của trung tâm bị thú dữ tấn công cũng đã từng xảy ra. Đơn cử như anh Nguyễn Ngọc Thành và Nguyễn Văn Luật đã từng bị khỉ cắn phải nhập viện chữa trị gần một tháng ròng", một lãnh đạo của Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật nói.

Những năm gần đây, việc bảo tồn và bảo vệ các loài động vật hoang dã quý hiếm (trong đó có voọc Hà Tĩnh và voọc chà vá chân nâu) thành công ở VQG PN-KB đã góp phần làm cho "kho báu tự nhiên" của tỉnh ngày càng thêm phần đa dạng, phong phú.

Đặc biệt, Khu tái thả bán hoang dã Voọc Hà Tĩnh và voọc chà vá chân nâu thực sự đã trở thành một miền đất lành của các loài linh trưởng, là địa điểm rất thiết thực để giáo dục, nâng cao nhận thức cho du khách, người dân về bảo tồn đa dạng sinh học.

Đi kiểm tra thực địa

Ông Trần Ngọc Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật cho biết: Trước sự đe dọa bởi các hoạt động săn bắn, bẫy, bắt trộm dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng các quần thể động vật hoang dã trong tự nhiên, năm 2005, dự án Bảo tồn thiên nhiên vườn thú Cologne (Đức) đã hợp tác cùng Hội Động vật học Frankfurt triển khai một chương trình tái hòa nhập cho các loài linh trưởng nguy cấp, gồm: Voọc Hà Tĩnh và voọc chà vá chân nâu được thả vào môi trường sống tự nhiên tại VQGPN-KB. Cả hai loài này là linh trưởng đặc hữu quý hiếm của vùng núi đá vôi thuộc dãy Trường Sơn ở miền Trung Việt Nam và Lào.

Năm 2007, VQG PN-KB thành lập Khu tái thả bán hoang dã voọc Hà Tĩnh và voọc chà vá chân nâu với số lượng ban đầu 8 con,  do VQG Cúc Phương chuyển vào. Tất cả cá thể voọc đều được gắn thiết bị phát tín hiệu và đưa vào địa điểm nói trên. Sau một vài tháng thả nuôi, người ta quyết định tách 4 con đến thả ở một nơi khác, chỉ để lại 4 con voọc Hà Tĩnh ở khu vực núi Đôi. Từ một đàn voọc Hà Tĩnh có 4 con, nay đã sinh sôi được khoảng hơn 20 con và chia làm 3 đàn (mỗi đàn từ 7 con trở lên). Do voọc Hà Tĩnh thường ăn lá ở tầng trên nên rất ít xảy ra cạnh tranh "lãnh địa" với đàn khỉ và một số động vật ở tầng dưới. Có thể khẳng định rằng, đây chính là nơi "đất lành" dành cho các đàn Voọc Hà Tĩnh được phát triển, sinh sôi an toàn, hiệu quả...

Kết quả điều tra, khảo sát trong phạm vi khu vực núi Đôi của VQGPN-KB gần đây cho thấy, đã ghi nhận được 234 loài thực vật bậc cao thuộc 170 chi, 74 họ của 3 ngành thực vật (ngành thông đất (Lycopodiophyta), ngành dương xỉ (Polypodiophyta) và ngành hạt kín (Magnoliophyta). Ngoài ra, trong phạm vi khu vực núi Đôi còn ghi nhận sự có mặt của 87 loài động vật có xương sống, trong đó bao gồm 12 loài thú, 25 loài chim, 18 loài cá, 20 loài bò sát và 12 loài lưỡng cư.

Nguồn:

Tin mới