Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An (NN&PTNT), trên địa bàn 11 huyện, thành, thị thuộc tỉnh, có 13 dự án tái định cư đang thực hiện dang dở với tổng số vốn lên đến gần 125 tỷ đồng, trong tổng số vốn được duyệt là gần 753 tỷ đồng. Các dự án này hầu hết đang trong giai đoạn đầu tư hạ tầng, chưa bố trí tái định cư (TĐC).
Dự án Khu tái định cư Khe Mừ (huyện Thanh Chương, Nghệ An) xây 10 năm vẫn chưa xong do thiếu tiền.
Cụ thể, tại thành phố Vinh có một dự án nằm trên địa phận xã Hưng Hòa với quy mô 58 hộ, hiện nay đang đầu tư hạ tầng. Tại huyện Hưng Nguyên có một dự án tại xã Hưng Lam với quy mô 100 hộ hiện cũng đang đầu tư hạ tầng.
Huyện Quế Phong có 2 dự án, trong đó một dự án ở xã Quang Phong với quy mô 115 hộ, hiện bố trí TĐC được 10 hộ. Dự án còn lại ở xã Tri Lễ với quy mô 145 hộ, đang đầu tư hạ tầng, chưa thực hiện bố trí TĐC.
Huyện Con Cuông có 2 dự án tại xã Bình Chuẩn và xã Lạng Khê. Huyện Quỳnh Lưu có dự án tại xã Quỳnh Châu với quy mô 175 hộ; Thị xã Hoàng Mai có một dự án tại xã Quỳnh Trang, quy mô 113 hộ; Huyện Yên Thành có dự án tại xã Hùng Thành, quy mô 45 hộ.
Huyện Quỳ Châu có dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn tại xã Châu Hội. Huyện Quỳ Hợp có 2 dự án và Tương Dương có dự án di dời khẩn cấp 34 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất tại xã Lượng Minh.
Huyện Thanh Chương có dự án xây dựng mẫu các khu định cư làng chài trên sông Lam (xã Thanh Thủy).
Anh Nguyễn Văn Dương (trú tại xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương) chờ đợi dự án tái định cư đã 10 năm nay.
Anh Nguyễn Văn Dương (53 tuổi, xóm Vạn Chài, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương) thuộc diện tái định cư làng vạn chài của huyện Thanh Chương cho biết, anh và người dân vạn chài chờ đợi dự án này đã quá lâu. Năm 2011, người dân lên tham quan khu tái định cư ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương rất hài lòng, nhưng chờ mãi nên giờ mệt mỏi.
“Đã gần 10 năm rồi, ngày đó tôi mới 43 tuổi, còn sức lao động để trồng trọt, làm nương rẫy. Giờ tôi 53 tuổi, già rồi thì lên đó lấy sức đâu mà làm nương rẫy. Trong khi chúng tôi là người dân quen với sông nước, hàng chục năm chỉ biết đánh bắt cá trên sông. Tôi không muốn lên khu tái định cư nữa”, anh Dương chia sẻ.
Do chờ đợi nhiều năm nhưng khu tái định cư không làm xong, để tránh cảnh nước sông làm sập nhà nên nhiều người xây dựng nhà trái phép để tránh lụt. Biết là xây trái phép nhưng người dân không còn cách nào khác vì những chiếc thuyền làm bằng xi măng là nơi ở của họ đã mục nát.
Tính đến cuối 2019, tổng số hộ dân ở Nghệ An đang sống trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng do sạt lở, ngập lụt, lốc xoáy... cần sắp xếp bố trí tái định cư là 8.415 hộ với 36.585 khẩu; phân bố ở 142 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 19 huyện, thành, thị xã.