Mỗi năm có 24 tiết khí gồm: Tiết Lập xuân, tiết Vũ thủy, tiết Kinh trập, tiết Xuân phân, tiết Thanh minh, tiết Cốc vũ, tiết Lập hạ, tiết Tiểu mãn, tiết Mang chủng, tiết Hạ chí, tiết Tiểu thử, tiết Đại thử, tiết Lập thu, tiết Xử thử, tiết Bạch lộ, tiết Thu phân, tiết Hàn lộ, tiết Sương giáng, tiết Lập đông, tiết Tiểu tuyết, tiết Đại tuyết, tiết Đông chí, tiết Tiểu hàn và tiết Đại hàn.
Tiết Đông chí là một trong những tiết khí cuối năm, đứng thứ 22 trong 24 tiết khí. Ngày đầu tiên của tiết Đông chí chính là ngày Đông chí, ngày này chính là điểm giữa của mùa đông.
Tiết Đông chí thường bắt đầu vào khoảng ngày 21 - 22/12 Dương lịch ngay sau tiết Đại tuyết và kết thúc vào khoảng ngày 5 - 6/1 của năm mới Dương lịch, trước khi tiết Tiểu hàn bắt đầu. Là ngày đầu tiên của tiết Đông chí, ngày Đông chí thường rơi vào 21 hoặc 22/12 hằng năm.
Năm 2024, ngày Đông chí nhằm vào Chủ nhật ngày 21/12 (tức 21/11 Âm lịch). Tiết Đông chí 2024 bắt đầu từ ngày 21/12/2024 và kết thúc vào ngày 5/1/2025.
Ngày Đông chí năm 2024 là ngày 21/12. (Ảnh chụp màn hình)
Đông chí là thời điểm Mặt trời nằm ở vị trí xa nhất về phía Nam so với xích đạo, tạo ra ngày ngắn nhất và đêm dài nhất trong năm ở bán cầu Bắc. Hiện tượng này xảy ra do độ nghiêng của trục Trái đất so với mặt phẳng quỹ đạo.
Kể từ ngày này, bán cầu Bắc sẽ bắt đầu nhận được nhiều ánh sáng hơn, kéo theo đó là những ngày dài hơn và là giai đoạn chuẩn bị để chuyển sang mùa xuân.
Ngày Đông chí là ngày Mặt trời xa Bắc cực nhất.
Tại Việt Nam, ngày Đông chí thường là một trong những ngày lạnh nhất trong năm. Nhiệt độ thường xuống thấp, đặc biệt là ở vùng núi phía Bắc. Tiết Đông chí thường có những ngày rét đậm, rét hại, vì vậy nông dân cần phải có kế hoạch bảo vệ cây trồng và vật nuôi khỏi giá lạnh.
Ngày Đông chí cũng đánh dấu thời điểm kết thúc mùa màng trước khi chuẩn bị cho năm mới.
Tiết Đông chí ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người do sự thay đổi đột ngột của ánh sáng và nhiệt độ. Việc thích ứng với thời tiết và duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh là rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe trong mùa đông giá lạnh. Mọi người cần mặc ấm, ăn uống đủ chất, tránh tập thể dục ngoài trời lúc sáng sớm và ban đêm.
Trên thế giới, nhiều quốc gia và nền văn hóa tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày Đông chí theo những cách rất đặc biệt. Tại Trung Quốc từ thời cổ đại đã coi ngày Đông chí là dịp thực hiện các nghi lễ quan trọng. Từ triều đại Thương, Chu rồi đến triều Tần, đây được coi là ngày quốc lễ. Về sau, Đông chí thành ngày thờ cúng tổ tiên, tỏ lòng thành kính với trời.
Ngày nay, Tết Đông chí được coi là ngày lễ đoàn viên của người Hoa; gia đình quây quần ăn các món truyền thống như bánh trôi nước, tượng trưng cho sự đoàn viên và viên mãn. Đông chí là ngày vui với người Trung Quốc vì sau ngày này, thời tiết sẽ dần ấm áp trở lại, một năm mới đầy hy vọng sắp đến.
Với nhiều nước phương Tây, tiết Đông chí gắn với các lễ hội cuối năm. Ngày này thường gần với Giáng sinh, một trong những thời điểm quan trọng nhất trong năm đối với các tín đồ đạo Thiên chúa cũng như người dân thuộc vùng ảnh hưởng của văn hóa Kito giáo.