Tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19 ngày 5/3, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca đủ điều kiện và được cấp giấy kiểm định chất lượng xuất xưởng để tiêm cho người Việt Nam. Dự kiến, ngày 8/3 sẽ tiêm liều vaccine này.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.
Ngày mai (6/3), Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, tập huấn toàn quốc về tiếp nhận, sử dụng, bảo quản vaccine, cũng như xử lý tai biến sau tiêm.
Ông Long cũng cho biết, đợt đầu tiên, việc tiêm vaccine sẽ được triển khai tại 18 cơ sở điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Trong đó, ưu tiên người trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân, các tỉnh có dịch và đặc biệt tập trung ưu tiên cho Hải Dương theo đúng tinh thần của Nghị quyết 21.
Người được tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử, có chứng nhận điện tử đã tiêm vaccine.
Dù Việt Nam bước vào giai đoạn tiêm vaccine COVID-19 cho người dân, nhưng người đứng đầu ngành y tế cũng nhấn mạnh, việc tiêm vaccine không bảo đảm phòng bệnh 100%. Do đó, mọi người không nên để tâm lý vaccine giải quyết được hết các vấn đề mà vẫn phải tiếp tục tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo.
Về cung ứng vaccine, ông Long cho biết, việc đảm bảo đủ vaccine COVID-19 trong tình hình hiện nay là rất khó khăn. Vì đây là những vaccine mới phát triển và chưa có nghiên cứu đủ lâu để khẳng định chất lượng cũng như hiệu quả bảo vệ. Do đó, quan điểm của Bộ Y tế vẫn là ngoài việc mua vaccine từ nước ngoài thì phải tập trung nghiên cứu, sản xuất và chủ động với nguồn vaccine COVID-19 ở trong nước.
Những nhóm người được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19
Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch: người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...); quân đội; công an.
Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước....
Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người. Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.
Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyển cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.
Về địa bàn, Chính phủ ưu tiên tiêm trước cho các nhóm đối tượng nói trên ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có dịch, trong tỉnh, thành phố lại ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng ở vùng có dịch.
Căn cứ khả năng cung ứng vaccine, Việt Nam sẽ ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, đối tượng ở vùng có dịch.