Trong năm 2021, hơn 22 triệu học sinh, sinh viên phải ở nhà nhiều hơn đến trường. Thậm chí, học sinh lớp 1 ở nhiều địa phương vẫn chưa một ngày đi học, không được gặp gỡ thầy cô, bạn bè trực tiếp.
Năm 2021, học sinh phải ở nhà nhiều hơn đến trường. Ảnh: Nhật Sinh.
Đầu tháng 2/2021, học sinh TP.HCM phải tạm dừng đến trường vì sự xuất hiện của một số ca mắc COVID-19. Kỳ nghỉ Tết Tân Sửu một tuần kéo dài thành một tháng. Đầu tháng 3, các em mới đến trường trở lại. Đến giữa tháng 5, nhiều địa phương chưa kịp kết thúc năm học đã vội vã dừng cho trẻ đến trường vì dịch bệnh bùng phát.
Đầu tháng 7, thời điểm dịch bệnh bắt đầu có những diễn biến căng thẳng ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh, thành khác, trong khi thời điểm thi tốt nghiệp THPT đã đến gần. Nhiều ý kiến tranh luận có nên tổ chức thi cử trong bối cảnh này không.
Bộ GD&ĐT quyết định tổ chức hai đợt thi tốt nghiệp THPT. Đứng trước lựa chọn tổ chức thi đợt một hay chờ đợt sau với nhiều áp lực, cuối cùng TP.HCM chọn tổ chức thi ngay đợt 1 với chiến lược xét nghiệm tầm soát toàn bộ thí sinh, giám thị. Ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, TP.HCM tiến hành giãn cách xã hội chặt chẽ, mọi người dân không được ra đường.
TP.HCM bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 theo cách chưa từng có. (Ảnh: Chí Hùng)
Năm học mới 2021-2022 bắt đầu trong bối cảnh 23 tỉnh, thành thực hiện phong tỏa, giãn cách. Lễ khai giảng được tổ chức online. Tháng 9, một nửa số địa phương trên cả nước phải triển khai dạy học online, vài địa phương kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp. Đến cuối tháng 11, chỉ 9 địa phương duy trì được việc dạy học trực tiếp hoàn toàn.
Học sinh lớp 1 ở TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai... chưa một ngày đến trường mới, tương tự với sinh viên năm nhất của các trường đại học. Một năm học có 9 tháng nhưng học sinh các địa phương này có chưa đầy 3 tháng học trực tiếp trong năm 2021.
Việc học online dẫn đến nhiều bất cập. Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn từng chia sẻ học online kéo dài khiến học sinh mệt mỏi, căng thẳng, thầy cô cực nhọc, áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Sáu tháng học online đã có những trường hợp bi hài và cả những chuyện đau lòng.
56/63 địa phương phải đề xuất nhu cầu hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh. Số học sinh cần hỗ trợ lên đến hơn 2 triệu em, nghĩa là cứ 10 học sinh thì có một em không có thiết bị học tập.
Khi TP.HCM thông báo đóng cửa trường hồi tháng 5, ông Nguyễn Tuấn, chủ một trường mầm non tư thục với quy mô khoảng 70 trẻ, 20 giáo viên, bảo mẫu, thầm nghĩ đợt dịch này cũng sẽ như năm 2020. Trường có thể đóng cửa một, hai tháng rồi mở trở lại. Nhưng đến nay đã hơn 6 tháng, các trường mầm non chưa biết khi nào có thể hoạt động trở lại.
Hơn nửa năm qua, nỗi lo thường trực mỗi ngày của ông Tuấn là làm gì, mượn tiền ai để có thể trả phí thuê mặt bằng, giữ trường. Thời gian đầu, trường học đóng cửa, ông Tuấn hỗ trợ giáo viên một khoản tiền nhỏ. Nhưng sau đó, chủ trường cũng không lo nổi cho giáo viên.
Nhiều người đã về quê, bỏ nghề, xin việc khác. Chủ trường muốn giữ giáo viên nhưng không có tiền trả lương, chưa biết ngày nào được hoạt động lại, không có gì để đảm bảo, hứa hẹn với thầy cô.
Đến nay, ông Tuấn dốc hết tiền tiết kiệm, làm thêm việc khác và vay mượn từ người thân để giữ trường. Chính ông cũng không biết mình có thể gồng gánh được bao lâu. Xung quanh, nhiều chủ trường phải phá sản, âm thầm bán cơ sở, bàn ghế, đồ dùng để trả nợ.
Chỉ tính riêng ở TP.HCM, đến tháng 9 vừa qua, ít nhất 151 cơ sở giáo dục mầm non tư thục đã giải thể vì dịch bệnh. Thành phố có hơn 12.300 giáo viên, nhân viên bị mất việc, 82% trong số này là giáo viên mầm non.
Ông Nguyễn Tuấn cho rằng con số này thực tế có thể lớn hơn và tăng thêm từng ngày. Nhiều chủ trường chọn cách âm thầm giải thể để chấm dứt khoảng thời gian tồn tại lay lắt, gồng mình trả nợ mà không biết đến khi nào mới có thể hoạt động trở lại.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục tại TP.HCM (nghiên cứu sinh ngành Thiết kế và Lãnh đạo giáo dục tại ĐH Illinois, Mỹ), chia sẻ nếu phải dùng một từ mô tả về ngành giáo dục mầm non năm 2021, bà nghĩ đến từ bấp bênh.
Trong đại dịch, trường mầm non là nơi bị đóng cửa đầu tiên nhưng lại được mở lại sau cùng. Ngay khi các hoạt động kinh tế - xã hội đã được khôi phục, trẻ mầm non vẫn chưa thể đến trường, giáo viên vẫn chưa được quay lại với công việc.
Bà Phương nhận định năm qua, giáo viên mầm non rơi vào khủng hoảng kéo dài, đối mặt với cảnh mất việc, không có thu nhập, đặc biệt với khối tư thục. Đến nay, ngành giáo dục vẫn chưa có hỗ trợ thích đáng mà ngày đến trường trở lại ở nhiều địa phương vẫn vô định. Chính điều đó càng gia tăng cảm giác bấp bênh ở các giáo viên mầm non, không chỉ là thu nhập, sinh kế.
"Rất nhiều giáo viên buộc lòng phải tìm một công việc tạm thời trong thời gian chờ quay lại trường như bán hàng online, được phụ huynh thuê đến nhà chăm sóc trẻ. Mất đi một môi trường làm việc quen thuộc khiến họ cảm thấy hoài nghi về sự tồn tại, giá trị của mình và càng chênh vênh hơn. Họ cảm thấy chông chênh về lựa chọn nghề nghiệp vì không nhìn thấy tương lai phía trước sẽ ra sao", bà Phương chia sẻ.
Về mặt vĩ mô, nữ chuyên gia cho rằng năm 2021 là năm thành quả xã hội hóa giáo dục mầm non bị kéo lùi. Những năm trước, xã hội kêu gọi tư nhân tham gia vào giáo dục mầm non vì thực tế thiếu trường, thiếu giáo viên, khối công lập không đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội. Việc tham gia của khối tư nhân đã phần nào thay đổi bộ mặt của ngành giáo dục mầm non.
Theo quan sát của cá nhân bà Phương, nhiều chủ trường tâm huyết với giáo dục mầm non, lập trường không vì lợi nhuận lại trở thành những người đầu tiên "rời cuộc chơi".
"Thật lòng tôi rất đau xót khi chứng kiến những ngôi trường dù nhỏ nhưng mang đầy tâm huyết làm giáo dục của nhiều cá nhân phải giải thể trong năm vừa qua. Biết đến khi nào, chúng ta mới có lại những ngôi trường như vậy. Một cú ngã quá lớn với ngành giáo dục mầm non", chuyên gia Nguyễn Thúy Uyên Phương nói.
Ngành giáo dục đang dần thích ứng, chung sống với dịch bệnh. (Ảnh: Chí Hùng.=)
Nhìn lại một năm đã qua với ngành giáo dục, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life), cho rằng đã có những thời điểm xã hội đang chống dịch cam go, nhưng ngành giáo dục lại có những quyết định cứng nhắc, "lạc tông" so với tình hình thực tế.
PGS Lộc nhắc đến việc ngành giáo dục ban hành khung kế hoạch năm học 2021-2022 không khác gì những năm trước trong khi bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, nhiều địa phương đang phong tỏa hay việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2021 trong dịch. Gần đây nhất, Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu kiểm tra học kỳ trực tiếp với học sinh lớp 1, 2 trong khi nhiều địa phương vẫn đang dạy học trực tuyến, các em chưa đến trường ngày nào.
"Dường như ngành giáo dục luôn ở pha thứ 2 với những diễn biến, vận hành của xã hội dẫn đến sự lúng túng vì chính sách đưa ra không còn khớp với thực tế", ông nhận định.
PGS Nguyễn Đức Lộc cho rằng khi các lĩnh vực khác lao đao trong dịch, giáo dục dường như là ngành "rảnh tay" nhất để cải tiến nhưng lại loay hoay, đánh rơi cơ hội. Thời gian các trường học phải đóng cửa trong năm qua là điều kiện cực kỳ thuận lợi cho ngành giáo dục chuyển đổi số, xây dựng kho học liệu số khi toàn bộ giáo viên, học sinh phải tự nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin. Ông đánh giá đây là sự hoài phí.
"Chuyển đổi số không phải là những buổi, giờ dạy online, bê giáo án chương trình trực tiếp lên online. Thế giới đã có những công cụ có thể biến lớp học online thành một lớp học mô phỏng với đầy đủ tương tác xã hội. Về mặt công nghệ, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này khi chúng ta có một kho học liệu số đủ lớn", PGS Lộc nói.
Ông bày tỏ sự tiếc nuối khi giáo dục chưa tận dụng thời cơ, còn thụ động trong chiến lược chuyển đổi số dù đã có một năm 2020 để thích ứng, chuẩn bị.
Lý giải nguyên nhân, viện trưởng Social Life cho rằng Bộ GD&ĐT thiếu mục tiêu, tầm nhìn dài hơi trong bối cảnh đời sống xã hội thay đổi vì dịch bệnh. Khi dịch bệnh xảy ra, xã hội vận hành theo cách hoàn toàn khác, thích ứng với những thay đổi liên tục.
"Khi nói đến mục tiêu, có hai loại, mục tiêu hướng tới và mục tiêu bởi vì. Mục tiêu hướng tới là chúng ta có tầm nhìn, hướng giáo dục đi đến đâu trong bối cảnh đại dịch, xã hội biến động. Mục tiêu bởi vì là do bối cảnh như vậy nên chúng ta phải làm thế, khiến mọi thứ chậm trễ, rối ren", ông Lộc giải thích.
Ông lấy ví dụ đơn cử là việc tổ chức dạy học online. Ngành giáo dục tổ chức học online trong tâm thế đối phó, bị dồn đến đường cùng, không còn cách nào khác nên hiệu quả không cao, nhiều vấn đề bất cập nảy sinh khiến xã hội mệt mỏi.
Đại dịch là bất định, không biết khi nào kết thúc, khác với một cơn bão khi qua đi con người sẽ bắt đầu tái thiết. Giáo dục là câu chuyện dài hơi, không chỉ là một vài tháng, một vài năm. Từ bây giờ, ngành giáo dục cần xác định mục đích, tầm nhìn cho lứa học sinh lớn lên và phát triển trong đại dịch. PGS Nguyễn Đức Lộc vẫn lạc quan cho rằng cơ hội với ngành giáo dục vẫn còn, vấn đề chỉ là nắm bắt, mạnh dạn cởi bỏ tư duy để thực hiện cái mới.