Giải thích trong buổi họp báo chiều ngày 4/5 tại trụ sở ECB ở thành phố Frankfurt (Đức) về quyết định lần thứ 7 nâng lãi suất trong khoảng thời gian chưa đến 1 năm, Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde cho biết, việc tăng lãi suất của ECB nằm trong chuỗi các chính sách đã được thực hiện nhằm hạ nhiệt lạm phát tại nhiều nền kinh tế trong khu vực đồng tiền chung châu Âu - eurozone.
Động thái của ECB cũng được tiến hành chỉ 1 ngày sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có hành động tương tự là tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp, lên thêm 25 điểm phần trăm, nhằm ứng phó lạm phát. Tuy nhiên, bà Christine Lagarde khẳng định, ECB hành động hoàn toàn độc lập với FED, đồng thời cho biết, khác với việc FED nhiều khả năng sẽ chấm dứt việc tăng lãi suất trong thời gian tới, ECB vẫn sẽ tiếp tục hành động cho đến khi đạt mục tiêu đề ra.
Chủ tịch ECB - Christine Lagarde. (Ảnh: Reuters)
Chủ tịch ECB - Christine Lagarde. (Ảnh: Reuters)“Các quyết định sắp tới của chúng tôi sẽ đảm bảo rằng chính sách lãi suất sẽ được nâng lên mức đủ hạn chế để thực hiện được mục tiêu dần đưa tỷ lệ lạm phát trong trung hạn về mức 2% và chính sách lãi suất sẽ được duy trì ở các mức độ này một cách lâu dài chừng nào vẫn còn cần thiết” - bà Christine Lagarde nói.
Theo các số liệu được Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố hôm 3/5, sau một khoảng thời gian hạ nhiệt, tỷ lệ lạm phát đã lại tăng cao trở lại trong khu vực đồng tiền chung châu Âu – eurozone, lên mức 7% trong tháng 4/2023. Theo đánh giá của ECB, tỷ lệ lạm phát này là quá cao và đã được duy trì trong một thời gian quá dài.
Việc ECB tăng lãi suất sẽ siết chặt chính sách tiền tệ của châu Âu trong một số lĩnh vực tín dụng như bất động sản, tiêu dùng hay đầu tư của các công ty. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chu kỳ tăng lãi suất của ECB sẽ chưa dừng lại và đợt tăng lãi suất tiếp theo có thể sẽ được thực hiện vào giữa tháng 06/2023.