Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ngân hàng lãi đậm: Mừng hay lo?

Ngân hàng lãi lớn trong bối cảnh các doanh nghiệp vẫn phải oằn mình chống chọi với lãi suất tăng trong nỗ lực tồn tại liệu có phải là điều đáng mừng?

Dù chưa chính thức công bố báo cáo tài chính năm 2022, nhưng một số ngân hàng đã hé lộ con số ước tính lợi nhuận rất khả quan mặc cho phải đối mặt với nhiều khó khăn vào nửa cuối năm như cuộc khủng hoảng trái phiếu, thị trường bất động sản trầm lắng.

Dồn dập báo lãi lớn

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023, lãnh đạo Ngân hàng BIDV cho biết lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ năm 2022 đạt 22.560 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng. Còn Chứng khoán SSI cho hay, lợi nhuận của BIDV đạt 5.400 tỷ đồng trong quý IV/2022, tăng gần 90% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Vietcombank công bố lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng mẹ năm 2022 đạt khoảng 36.774 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2021 và đạt 119% kế hoạch năm. SSI cho rằng, điều này có nghĩa là lợi nhuận trước thuế trong quý IV/2022 của Vietcombank đạt hơn 12.000 tỷ đồng, tăng 56% so cùng kỳ.

Cũng theo ước tính của SSI, lợi nhuận trước thuế quý IV của Ngân hàng ACB đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Trong cả năm 2022, lợi nhuận ACB đạt khoảng 17.000 tỷ đồng, tăng 41,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của Sacombank ước tính đạt 1.800 tỷ đồng trong quý IV, tăng 63,5%...

Ngân hàng VietinBank cho hay lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng mẹ năm qua đạt 20.500 tỷ đồng, tăng 22%.

Một nhà băng khác là TPBank cũng công bố sơ bộ kết quả kinh doanh năm 2022, ước tính lợi nhuận đạt 7.828 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 30% so với năm 2021. 

Lợi nhuận nhiều ngân hàng ước tính tăng mạnh trong năm 2022 là do tăng trưởng tín dụng đạt mức cao (như VCB 19%) và các ngân hàng kiểm soát tốt chất lượng tài sản trong 1-2 năm gần đây. Bên cạnh đó, một số ngân hàng lớn thuộc top 4, gồm Vietcombank, Agribank, BIDV, Vietinbank, có lượng tiền huy động với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung (phần lớn ở mức 7,4% cho kỳ hạn trên 1 năm, so với mức 10-13% của nhiều ngân hàng nhỏ hơn.

Nhiều ngân hàng có một năm 2022 lãi lớn (Ảnh minh hoạ: SHB)

Lượng tiền gửi không kỳ hạn (lãi suất thấp) lớn tại nhiều ngân hàng, trong đó có Vietcomank, ACB, MBBank, MSB... cũng góp phần giúp các ngân hàng duy trì mức lãi cao. Thu ngập ngoài lãi, trong đó có thu từ dịch vụ tăng... cũng là yếu tố đóng góp tích cực cho lợi nhuận của các ngân hàng.

Mừng hay lo?

Tuy nhiên, ngân hàng lãi lớn trong bối cảnh các doanh nghiệp nhiều ngành khác vẫn phải oằn mình chống chọi với lãi suất tăng trong nỗ lực tồn tại liệu có phải là điều đáng mừng?!

ĐBQH Trần Văn Lâm (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho rằng, với nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc các ngân hàng báo lãi như thế khiến xã hội đều có mong muốn nhiều hơn sự chia sẻ từ các ngân hàng.

“Việc doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn nhưng các ngân hàng đều báo lãi lớn thì tôi cho rằng sự chia sẻ của các ngân hàng đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp chưa được tương xứng. Chúng ta mong muốn có sự chia sẻ hơn từ phía ngân hàng, dù cho cũng đã có những động thái như giảm lãi suất cho vay trong những lĩnh vực ưu tiên", ông Lâm bày tỏ.

Còn chuyên gia kinh tế, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh thì nhấn mạnh: "Lãi suất cao là không tốt cho nền kinh tế. Dẫu vậy, bản thân ngân hàng cũng là một loại hình doanh nghiệp, đã là doanh nghiệp thì đều mong muốn có lợi nhuận".

Theo ông Thịnh, phải thừa nhận rằng các ngân hàng đã thực hiện tốt yêu cầu của Chính phủ và NHNN trong việc tiết giảm chi phí hoạt động, từ đó có cơ sở để giảm lãi suất cho vay.

"Cần nhìn nhận thực tế năm vừa qua, có thời điểm các ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản. Thế nhưng, về cơ bản tình trạng này đã được cải thiện thông qua việc nâng lãi suất huy động. Động thái này làm tăng khả năng đáp ứng nguồn vốn cho các doanh nghiệp. Hơn nữa, thu nhập từ lãi cho vay vẫn đem lại lợi nhuận chính cho ngân hàng, trong khi nợ xấu vẫn tương đối cao. Điều này buộc ngân hàng phải tính toán cho việc bù đắp những rủi ro do nợ xấu", TS Đinh Trọng Thịnh lý giải.

Chuyên gia này tỏ ra "thông cảm" với các nhà băng khi cho rằng, vừa qua, ngân hàng ngoài việc phải trích lập dự phòng rủi ro khá lớn thì còn phải đầu tư mạnh cho ngân hàng số cũng như chi phí để phát triển các dịch vụ mới gắn với việc số hoá ngân hàng.

"Cho nên, nếu ngân hàng đạt lợi nhuận cao cũng không có vấn đề gì", ông nói thêm.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới