Một ngân hàng thương mại cổ phần ở TP.HCM vừa có văn bản gửi toàn hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong năm 2022, yêu cầu "không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (ngoại trừ cho cán bộ, nhân viên và người thân vay mua/ xây/ sửa bất động sản để ở".
Chính sách này được ngân hàng trên áp dụng từ cuối tháng 3 đến ngày 30/6. Việc cấp tín dụng sẽ tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistics…
Như thông báo của văn bản trên, ngân hàng này cũng tạm ngừng cho vay mua nhà đối với khách hàng cá nhân mua/ xây/ sửa nhà để ở.
Đã có ngân hàng thông báo tạm ngừng cho vay bất động sản, bao gồm cả vay mua nhà để ở, với khách hàng cá nhân
Giải thích về chủ trương tạm ngừng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, một lãnh đạo ngân hàng này nói chính sách tín dụng được áp dụng trong từng thời điểm, phù hợp với tình hình thực tế về tăng trưởng tín dụng các lĩnh vực, chứ không phải cấm cho vay bất động sản. Điều hành hạn mức tín dụng đối với từng lĩnh vực, trong đó có bất động sản, là việc bình thường của các ngân hàng.
Chủ trương tạm ngừng giải ngân đối với lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả cho vay mua nhà để ở với khách hàng cá nhân, cũng được một vài ngân hàng khác áp dụng, tùy từng thời điểm.
Trước xu hướng siết chặt dòng vốn vào bất động sản, nhiều khách hàng vay mua nhà lo ngại khó tiếp cận vốn ngân hàng hoặc lãi suất cho vay sẽ tăng. Thực tế, nhiều ngân hàng thương mại khác vẫn cấp tín dụng và giải ngân cho khách hàng vay mua nhà để ở, nhưng lãi suất cho vay sẽ khó giảm hoặc có thể nhích lên thời gian tới.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 23-3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 4,21% so với cuối năm ngoái, cao hơn mức tăng cùng kỳ là 1,62%, qua đó cho thấy nhu cầu vốn đang hồi phục.
Trước đó, theo kế hoạch hành động của ngành ngân hàng trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu tổ chức tín dụng phải hướng tín dụng vào sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán…