Hôm 26/1, tuyên bố chung sau cuộc đàm phán theo thể thức Normandy tại Paris với sự tham gia của Nga, Ukraine, Pháp và Đức, Moskva và Kiev nhất trí rằng lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở vùng Donbass phải được tuân thủ “vô điều kiện”.
Trưởng đoàn đàm phán của Nga Dmitry Kozak nói rằng các cuộc đàm phán “không hề đơn giản”, nhưng “bất chấp tất cả khác biệt trong cách diễn giải, chúng tôi đồng ý rằng việc ngừng bắn phải được tất cả các bên duy trì phù hợp với các thỏa thuận".
Phó chánh văn phòng Điện Kremlin Dmitry Kozak (bên trái) họp báo sau cuộc đàm phán theo thể thức Normandy ở Paris. (Ảnh: Sputnik)
Trong khi đó, đại diện Ukraine Andrey Yermak nói rằng tất cả các bên ủng hộ lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và gọi việc đổi mới các cuộc đàm phán theo định dạng Normandy là "tín hiệu rất tích cực" cho triển vọng giảm leo thang.
Pháp - nước chủ nhà tổ chức đàm phán, xác nhận các đặc phái viên “ủng hộ sự tôn trọng vô điều kiện đối với việc ngừng bắn và tuân thủ đầy đủ các biện pháp bổ sung vào ngày 22/7/2020, bất kể sự khác biệt về các vấn đề khác liên quan đến việc thực hiện thỏa thuận Minsk”.
Theo dự kiến, các bên sẽ gặp lại nhau tại Berlin sau hai tuần để thảo luận thêm.
Pháp, Đức, Nga và Ukraine là các bên ký thỏa thuận hòa bình Minsk năm 2015 nhằm chấm dứt giao tranh ở miền đông Ukraine.
Năm 2014, miền đông Ukraine bùng phát xung đột sau khi lực lượng dân quân ở vùng Donbass đòi ly khai và chống lại quân đội chính phủ. Sau một năm chiến sự đẫm máu, các bên nhất trí đàm phán theo định dạng Normandy và đạt được thỏa thuận hòa bình Minsk.
Thỏa thuận ngừng bắn năm 2014, sau đó được bổ sung năm 2020, đã giúp chấm dứt cuộc giao tranh tồi tệ tại vùng Donbass, đông Ukraine. Xung đột tại đây cướp đi sinh mạng của khoảng 13.000 người.