Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung khí đốt qua Nord Stream 1

(VTC News) -

Tập đoàn năng lượng lớn Gazprom của Nga cho biết, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên qua Nord Stream 1 sẽ giảm xuống 20% ​​công suất.

Hôm 25/7, tập đoàn năng lượng lớn Gazprom của Nga thông báo sẽ ngừng hoạt động của tuabin thứ hai qua đường ống Nord Stream 1. Do đó, nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sẽ không vượt quá 33 triệu m3 mỗi ngày kể từ 27/7, tương ứng với 20% công suất của đường ống.

Gazprom cho biết, quyết định dừng hoạt động tua-bin được đưa ra dựa trên tình trạng kỹ thuật và thực tế tua-bin phải được bảo trì.

Công suất khí đốt từ Nga sang châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 liên tục giảm thời gian gần đây.

Người phát ngôn của Bộ Kinh tế liên bang Đức cho biết, không có lý do kỹ thuật nào để giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1.

Trước đó, tờ Kommersant đưa tin, một trong số 9 tuabin tại trạm máy nén Portovaya cần được sửa chữa. Tờ báo lưu ý rằng một tuabin sẽ mất khoảng 3 tháng để bảo trì. Theo thỏa thuận giữa Gazprom và công ty Siemens Energy, phía Siemens Energy sẽ nhận sửa chữa thêm 5 tua-bin từ nay đến cuối năm 2024.

Thời gian qua, Gazprom giảm lượng khí đốt vận chuyển cho châu Âu. Tháng trước, công suất khí đốt chảy qua Nord Stream 1 đã giảm xuống còn 40%. Theo Gazprom, việc này là do phương Tây bàn giao chậm một tuabin được bảo dưỡng ở Canada. Tua-bin này vẫn đang ở Đức do chưa hoàn tất giấy tờ.

Điều này khiến nhiều quốc gia Liên minh châu Âu (EU) lo ngại Moskva đang dùng khí đốt để trả đũa lệnh trừng phạt từ châu Âu.

Tuy nhiên, phía Nga bác điều này. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng việc giảm công suất cung cấp khí đốt xuất phát từ các vấn đề kỹ thuật do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tuần trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho hay, Berlin không còn có thể dựa vào Moskva trong việc đảm bảo nguồn cung khí đốt.

Ủy ban Châu Âu (EC) hối thúc các nước thành viên EU cắt giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong những tháng tới. Theo kế hoạch ứng phó khẩn cấp của EU, mỗi nước thành viên sẽ làm tất cả những gì có thể để giảm tiêu thụ khí đốt ít nhất 15% trong giai đoạn tháng 8/2022-3/2023. 

Năm ngoái, Nga cung cấp 40% tổng lượng khí đốt mà EU tiêu thụ. Bất cứ gián đoạn nào trong nguồn cung có thể khiến giá khí đốt tăng cao hơn nữa, làm trầm trọng thêm nguy cơ suy thoái kinh tế.

Kông Anh

Tin mới