Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga và tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ký thỏa thuận về việc vận chuyển khí đốt bổ sung tới Trung Quốc, Gazprom thông báo.
(Ảnh minh họa: Getty)
Hai bên đạt thỏa thuận trong cuộc gặp giữa giám đốc điều hành Gazprom Aleksey Miller và chủ tịch hội đồng quản trị CNPC Dai Houliang, bên lề Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh.
Gazprom viết trên kênh Telegram: “Trong cuộc họp, Gazprom và CNPC ký thỏa thuận bổ sung cho hợp đồng mua bán khí đốt qua Tuyến phía Đông, để bổ sung thêm khối lượng khí đốt từ Nga sang Trung Quốc cho đến cuối năm 2023”.
Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia, một đoạn của Tuyến phía Đông, theo thỏa thuận song phương thời gian dài giữa hai nước. Đường ống lớn dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động đầy đủ vào năm 2025, sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ mét khối (bcm) khí đốt tự nhiên Nga hàng năm bắt đầu từ năm 2024.
Trước đó, ông Miller tiết lộ rằng xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc sẽ sớm đạt bằng khối lượng bán sang EU trước khi khối này áp đặt lệnh trừng phạt với năng lượng Nga.
Nga từ lâu đã cung cấp nguyên liệu thô và năng lượng cho các ngành sản xuất của Trung Quốc, đồng thời nhập khẩu vật liệu bán dẫn, chip và các sản phẩm công nghệ từ nước này. Tổng giá trị thương mại giữa hai nước tăng gần 30% trong năm ngoái lên 185 tỷ USD, do Nga chuyển hướng bán dầu thô sang Trung Quốc khi phương Tây quay lưng với năng lượng của Moskva.
Mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc đã trở nên sâu sắc hơn kể từ tháng 2 năm ngoái, sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Lợi nhuận từ việc bán nhiên liệu cho Trung Quốc giúp bù đắp đáng kể cho nền kinh tế Nga, khi doanh số xuất khẩu năng lượng sang châu Âu của nước này sụt giảm mạnh.
Hồi tháng 9, Bloomberg đưa tin Nga dự kiến sẽ bán khí đốt cho Trung Quốc với mức chiết khấu cao trong 3 năm tới, thấp hơn nhiều so với mức giá mà khách hàng châu Âu sẽ phải trả.
Cụ thể, Nga sẽ bán khí đốt tự nhiên qua đường ống cho Trung Quốc với mức giá trung bình là 271,6 USD/1.000m3 vào năm 2024. Trong khi đó, người mua ở châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chịu mức giá trung bình là 481,7 USD. Mức giá đó sẽ được duy trì cho đến năm 2026 và giảm dần theo thời gian.
Năm nay, Nga dự kiến bán khí đốt cho Trung Quốc với mức trung bình 297,3 USD/1.000m3, trong khi các khách hàng còn lại ở châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trả trung bình 500,6 USD.