Tass dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga ngày 18/10 cho biết, quân đội nước này đã phá hủy hơn 8.000 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2 năm ngoái.
"Tổng cộng các mục tiêu đã bị tiêu diệt kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, bao gồm: 491 máy bay, 251 trực thăng, 8.004 UAV, 441 hệ thống tên lửa đất đối không, 12.746 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác.
Bên cạnh đó còn có 1.163 bệ phóng tên lửa đa năng, 6.810 pháo dã chiến và súng cối, cùng 14.419 phương tiện cơ giới quân sự đặc biệt", Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ trong một tuyên bố.
Nga phá hủy hơn 8.000 UAV của Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022. (Ảnh: Tass)
Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm trong ngày 17/10, lực lượng Nga cũng đã phá huỷ một kho chứa đạn phóng từ trên không của Ukraine tại sân bay Lozovoye ở Vùng Dnepropetrovsk, gần các khu định cư Serebryanka ở Donetsk và Malinovka ở Vùng Zaporizhzhie.
Cùng ngày, 2 tên lửa S-200 đã bị Nga bắn hạ ở Sevastopol, nơi đóng quân của Hạm đội biển Đen trên bán đảo Crimea.
Trong một diễn biến khác, quân đội Ukraine hôm 17/10 đã sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công phá hủy 9 máy bay trực thăng của Nga ở miền Đông Ukraine.
Đây là lần đầu tiên Kiev sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS tấn công mục tiêu Nga.
Tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ. (Ảnh: Getty Images)
Tên lửa ATACMS của Mỹ có tầm bắn lên tới 300km, có thể giúp Ukraine nhắm tới bất cứ mục tiêu nào trên các vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát, bao gồm cả Crimea.
Mỹ được cho là đã bí mật vận chuyển ATACMS cho Kiev. Trước đó, Washington nhiều lần từ chối yêu cầu của Kiev vì lo ngại rằng Ukraine có thể dùng tên lửa này tấn công các mục tiêu Nga và đẩy Mỹ can dự sâu vào xung đột.
Bình luận về sự việc, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết quyết định của Washington khi cung cấp ATACMS cho Kiev "chỉ kéo dài thêm nỗi đau" cho Ukraine.
"Điều này tất nhiên gây tổn hại và tạo thêm mối đe dọa. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có thể đẩy lùi các cuộc tấn công này", ông Putin nói. "Quan trọng nhất là về cơ bản điều đó không có khả năng thay đổi tình hình trên thực địa... Đây là một sai lầm khác Mỹ".