Sau khi bắt đầu ca trực vào sáng sớm tại một khu rừng phủ đầy tuyết trắng gần biên giới với Nga, Grandpa – một binh sỹ thuộc đơn vị phòng không Ukraine cho biết, anh nhìn thấy ánh sáng và nghe thấy những tiếng nổ chói tai. Đó là tên lửa đạn đạo được phóng đi từ lãnh thổ Nga, nhưng đơn vị của Granpa không có thời gian để đánh chặn và trong kho vũ khí của họ cũng không có loại vũ khí nào có thể làm được điều đó.
Thiết giáp bị phá huỷ trong xung đột ở Ukraine. (Ảnh: Reuters)
Nga ồ ạt tấn công Kharkov
Vài giây sau, tên lửa lao xuống Kharkov - thành phố lớn thứ hai ở Ukraine, san phẳng một tòa nhà và phá hủy các cơ sở hạ tầng. “Tôi biết rõ tên lửa sẽ rơi xuống nhưng không thể làm bất cứ điều gì để ngăn chặn”, Granpa cho biết.
Thời gian gần đây, Nga thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào thành phố Kharkov - cách biên giới nước này 46km về phía Nam. Mỗi khi các đợt tấn công xảy ra, còi báo động không kích lại vang lên khắp thành phố.
Ukraine cho biết, Nga đã sử dụng nhiều loại vũ khí, trong đó có hệ thống phòng không S-300 từ sâu trong lãnh thổ nước này để nhắm vào Kharkov, như một phần trong chiến lược khai thác điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Ukraine.
Ngoài ra, Moskva cũng thực hiện các cuộc tấn công kết hợp nhằm vào thủ đô Kiev và khu vực Đông Nam sông Dnipro.
Các cuộc tấn công liên tiếp bằng tên lửa cho thấy Nga sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp để áp đảo Ukraine trên chiến trường. Ngoài ra, điều này cũng làm bộc lộ điểm yếu của Kiev khi không có đủ hệ thống phòng không, ngay cả khi phương Tây đã cung cấp cho nước này một loạt hệ thống như NASAMS, Iris-T, Gepard và Stinger.
Đối với Nga, Kharkov là một trong những mục tiêu dễ tấn công nhất. Thành phố này ở gần biên giới Nga, do đó, ngay cả các hệ thống phòng không hiện đại như Patriot do Mỹ sản xuất mà Ukraine đang sử dụng cũng sẽ gặp khó khăn khi đánh chặn các tên lửa bay với tốc độ cao di chuyển trên quỹ đạo đạn đạo bởi thời gian phóng đến thời gian hạ cánh của tên lửa diễn ra chưa đầy 1 phút.
Michael Kofman, giám đốc nghiên cứu về Nga tại CNA, tổ chức nghiên cứu và phân tích phi lợi nhuận có trụ sở tại Virginia, Mỹ, gọi Kharkov là “chiếc mỏ neo” vẫn đang trấn giữ mặt trận phía đông. Khi nhắm mục tiêu vào Kharkov, Moskva có thể hướng tới yếu tố thành phố chủ yếu là người nói tiếng Nga.
Grandpa thuộc Lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ số 113, có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời phía Bắc thành phố Kharkov. Đơn vị của anh chủ yếu dựa vào hệ thống pháo phòng không ZU-23-2 có từ thời Liên Xô - mà họ thu được trên chiến trường sau khi Nga rút khỏi thành phố Kupyansk gần đó vào tháng 9/2022.
Đây là hệ thống di động được gắn phía sau xe tải, chỉ có thể tấn công các mục tiêu di chuyển dưới tốc độ âm thanh, chẳng hạn như các loại máy bay không người lái mà Nga sử dụng như Shahed do Iran sản xuất hay UAV góc nhìn thứ nhất (FPV).
Nga thường sử dụng các loại UAV này để tấn công quân đội Ukraine đang đồn trú ở phía Bắc thành phố hoặc nhằm vào trung tâm thành phố - nơi vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.
Ukraine đối mặt tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”
Thời gian gần đây, Nga đặc biệt để mắt tới thành phố Kharkov và khu vực xung quanh – nơi họ đã bỏ qua trong cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraine vào tháng 9/2022.
Makhno, 38 tuổi, chỉ huy đơn vị phòng không của Ukraine, cho biết trong vòng 1 tháng qua, ngày càng nhiều nhóm nghi binh - từ 5 đến 20 binh sĩ Nga, cùng lúc đã vượt biên giới vào Ukraine, để đánh úp các vị trí của họ.
Lực lượng Nga cũng đã tấn công thành phố nhiều lần trong khi củng cố các vị trí quân sự của họ từ các góc độ khác, trong đó có cả khu vực phía Đông Kupyansk. Chỉ trong 4 tuần qua, các cuộc tấn công bằng tên lửa ở Kharkov đã làm hư hại nhiều cơ sở hạ tầng.
Tại một vị trí quân sự giữa Kharkov và vùng biên giới, các binh sỹ thuộc đơn vị phòng không của Ukraine mặc đồ ngụy trang lẫn trong tuyết trắng đi lại xung quanh để chuẩn bị ứng phó với các cuộc tấn công tiềm tàng của Nga.
Một binh sỹ có biệt danh Makhno cho biết: “Tình hình rất căng thẳng”. Trong khi đó, sự chậm trễ của phương Tây khi cung cấp đạn dược và khí tài quân sự cho Ukraine đã khiến đơn vị của anh rơi vào tình thế khó khăn. “Họ đang lãng phí thời gian với câu hỏi có nên cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine hay không. Trên thực tế, chúng tôi cần phải đi trước đối phương hai bước”.
Một binh sỹ khác người có biệt danh Strilok nói rằng, khi tên lửa hướng tới thành phố, “chúng tôi cảm thấy bất lực”. Cách tốt nhất để ngăn chặn các cuộc tấn công là sử dụng Hệ thống tên lửa Pháo binh cơ động cao (HIMARS), để tấn công các địa điểm phóng ở Nga. Nhưng Washington đã ngăn Ukraine sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu ở Nga - điều mà Strilok gọi là “vô lý”.