Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nga muốn hợp tác sản xuất UAV 'cảm tử' Lancet-E với các quốc gia thân thiện

(VTC News) -

Các công ty vũ khí của Nga đặt ra kỳ vọng lớn đối phiên bản xuất khẩu của Lancet khi nhu cầu về UAV "cảm tử" trên thế giới tăng cao.

Nga lần đầu giới thiệu phiên bản xuất khẩu UAV 'cảm tử' Lancet. (Nguồn: ZALA)

Tại Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế Army-2024, Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí nhà nước của Nga - Rosoboronexport đã lần đầu tiên cho ra mắt phiên bản xuất khẩu của máy bay không người lái cảm tử (UAV) Lancet-E.

Từ đầu năm 2022, tên tuổi ZALA Lancet đã trở nên nổi tiếng trên toàn cầu khi thể hiện hiệu quả tốt trong tác chiến hiện đại, nhất trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Trước thành công đó, ZALA đã quyết định phát triển phiên bản xuất của Lancet là Lancet-E.

Theo giới thiệu của Rosoboronexport tại Army-2024, phiên bản Lancet-E gồm máy bay không người lái trinh sát Z-16-E (UAV) và 2 phương tiện mang đầu đạn có điều khiển, được gọi là Izdeliye 51-E và Izdeliye 52-E.

Mỗi phương tiện có tầm bay riêng biệt và trọng lượng cất cánh tối đa khác nhau. Lancet-E có thiết kế cánh chữ X và một cánh quạt đẩy nhỏ, giúp UAV khó bị phát hiện bởi radar của đối phương.

Phát biểu tại Army-2024, Tổng giám đốc Rosoboronexport Alexander Mikheev cho biết, việc cho ra mắt Lancet-E đánh dấu sự khởi đầu cho chiến dịch tiếp thị toàn cầu của công ty cho hệ thống vũ khí tiên tiến này.

Cũng theo ông Mikheev, tiềm năng xuất khẩu của Lancet-E là rất lớn, ước tính hơn 1.000 hệ thống có thể được đặt hàng từ các đối tác của Rosoboronexport.

Rosoboronexport giới thiệu hai phiên bản UAV Lancet-E mang đầu đạn có điều khiển gồm Izdeliye 51-E và Izdeliye 52-E.

Lãnh đạo Rosoboronexport cũng khẳng định, ngành công nghiệp quốc phòng Nga hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của quân đội nước này lẫn cho xuất khẩu.

Ngoài ra, Rosoboronexport sẵn sàng hỗ trợ cho các đối tác của mình dưới hình thức cấp phép và sản xuất chung trong khuôn khổ quan hệ đối tác công nghệ.

Ngoài Lancet-E, Rosoboronexport đang tiếp thị thành công UAV "cảm tử" khác là Kub-E do Tập đoàn Kalashnikov của Rostec phát triển và sản xuất.

Đồng thời, các hệ thống máy bay không người lái trinh sát và trinh sát/tấn công Orlan-10E, Orlan-30 và Orion-E đang có nhu cầu lớn từ các đối tác nước ngoài.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đã cho đăng tải một số video về hoạt động của UAV Lancet trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Trong đó có video Lancet phá hủy pháo tự hành PzH 2000 do Đức sản xuất và một xe chiến đấu bộ binh Marder.

Một đoạn video khác về việc tiêu diệt xe tăng Ukraine bằng đạn Lancet cũng được truyền thông Nga.

Theo một chỉ huy đơn vị vận hành Lancet, UAV "cảm tử" này thường hoạt động cùng UAV trinh sát ZALA. Trong đó ZALA được sử dụng để tuần tra và theo dõi, sau đó Lancet sẽ được triển khai để tiêu diệt mục tiêu.

Chỉ huy đơn vị Lancet cũng cho biết, hiệu quả tấn công của UAV này lên đến 90%.

Còn theo trang tin quân sự OSINT, kể từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt cho đến nay, quân đội Nga đã thực hiện hơn 2.200 cuộc tấn công bằng UAV Lancet.

Trà Khánh

Tin mới