Hải Quân Nga hồi tháng 4 vừa qua tuyên bố, Ekaterinburg, tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy năng lượng hạt nhân lớp Delta-IV sẽ bắt đầu loại biên từ năm 2022.
Tàu Ekaterinburg đã nằm tại cảng ở Severodvinsk gần 2 năm và việc loại biên sẽ là dấu chấm hết cho hơn 36 năm phục vụ trong hải quân Liên Xô và Nga.
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo K-84 Ekaterinburg ở Murmansk ngày 23/5/2018. (Ảnh: Getty)
Việc loại biên tàu ngầm Ekaterinburg cũng bắt đầu cho quá trình chấm dứt hoạt động của loạt tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy năng lượng hạt nhân (SSBN) lớp Delta từng là xương sống trong hạm đội hải quân Liên Xô và Nga suốt hàng thập kỷ. Các tàu ngầm lớp Delta sẽ được thay thế bằng các tàu ngầm lớp Borei hiện đại được chờ đợi từ lâu.
Tàu ngầm lớp Delta
Được biết đến ở Nga với tên gọi tàu ngầm lớp Delfin thuộc Dự án 667BDRM, các tàu Delta IV là phiên bản thứ 4 và cuối cùng trong loạt 43 chiếc SSBN, trong đó tàu đầu tiên được giới thiệu vào đầu những năm 1970.
Với chiều dài 166 mét, tàu ngầm lớp Delta IV có 4 ống phóng ngư lôi và 16 silo. Ban đầu tàu được trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) R-29RM Shtil, sau đó nâng cấp thành tên lửa R-29RMU Sineva vào năm 2007. Sau năm 2014, một số tàu Delta IV cũng được trang bị SLBM R-29RMU2 Layner.
Tàu ngầm BS-64 Podmoskovye tại căn cứ của Hạm đội Phương Bắc ở Severmorsk ngày 3/7/2019. (Ảnh: Getty)
Hiện có 7 tàu ngầm Delta IV phục vụ trong Hải quân Nga. Một trong số này, tàu Podmoskovye, được chuyển đổi thành tàu ngầm đặc nhiệm năm 2016, thực hiện các nhiệm vụ tình báo.
Thay vì mang tên lửa hạt nhân, tàu Podmoskovye hoạt động như một tàu mẹ, mang các tàu ngầm nhỏ hơn như Losharik, một thiết bị lặn hạt nhân tối mật được cho là sử dụng vào mục đích do thám. Losharik gặp hỏa hoạn chết người hồi tháng 7/2019 và có thể phải ngừng hoạt động tới năm 2025.
Ngoài 7 tàu lớp Delta IV, 1 tàu ngầm lớp Delta III - tàu Ryazan cũng đang phục vụ trong Hải quân Nga. Tất cả các tàu Delta IV hiện thuộc biên chế của Hạm đội Phương Bắc trong khi tàu Delta III duy nhất thuộc biên chế của Hạm đội Thái Bình Dương.
Tàu ngầm Ekaterinburg
Ekaterinburg là tàu thứ 2 trong lớp Delta IV được chế tạo. Tàu được đóng từ năm 1982 và đi vào hoạt động từ năm 1985. Tàu Ekaterinburg có một lịch sử khá thú vị.
Ngày 6/8/1989, trong Chiến dịch Behemoth, tàu Ekaterinburg đã nỗ lực phóng tất cả 16 tên lửa R-29RM Shtil khi lặn dưới nước. Đó là lần đầu tiên một SSBN tìm cách thực hiện một kỳ tích như vậy. Lượt phóng đầu tiên diễn ra thành công, nhưng rò rỉ nhiên liệu trong lần phóng tên lửa thứ 2 đã gây ra hỏa hoạn khiến thử nghiệm phải dừng lại.
Bản thân quả tên lửa đã bị phá hủy, nhưng tàu Ekaterinburg không gặp phải thiệt hại nghiêm trọng nào. Đúng 2 năm sau đó, tàu chị em của Ekaterinburg, tàu Novomoskovsk đã tiến hành thử nghiệm thành công, phóng toàn bộ 16 tên lửa trong 3 phút 44 giây.
Năm 2011, một trận hỏa hoạn xảy ra ở phần mũi tàu Ekaterinburg trong lúc nó ở trên ụ nổi tại Murmansk. Các nỗ lực dập tắt đám cháy bất thành. Ngọn lửa đã bùng cháy liên lục gần 1 ngày trước khi người ta quyết định dìm tàu ngầm này xuống nước để dập lửa.
Hỏa hoạn xảy ra trên tàu Ekaterinburg ngày 29/12/2011. Ảnh: RT/Getty
Đám cháy sau đó được dập tắt nhưng tàu Ekaterinburg bị hư hỏng nghiêm trọng và phải trải qua quá trình sửa chữa kéo dài tới 3 năm.
Sau này người ta tiết lộ rằng tàu Ekaterinburg thực sự đã mang toàn bộ số tên lửa hạt nhân SLBM khi đám chảy xảy ra. Quyết định dìm con tàu xuống nước sau đó đã tránh được một thảm họa hạt nhân tiềm tàng, mà nếu xảy ra có thể tồi tệ nhất kể từ sau thảm họa Chernobyl.
Sau khi được sửa chữa, tàu Ekaterinburg tiếp tục phục vụ giống như bất cứ SSBN nào khác trong Hải quân Nga. Tàu Ekaterinburg cũng tham gia vào một số vụ thử tên lửa và các cuộc tuần tra với Hạm đội Phương Bắc.
Tàu ngầm lớp Borei
Ekaterinburg và các tàu còn lại trong lớp Delta-IV sẽ đượ thay thế bằng các tàu ngầm lớp Borei hiện đại.
Dù công việc thiết kế bắt đầu từ giữa những năm 1980, việc xây dựng tàu lớp Borei đầu tiên, tàu Yury Dolgorukiy chỉ được bắt đầu từ năm 1996 và phải đến năm 2013 nó mới đi vào phục vụ.
Tàu ngầm lớp Borei Yury Dolgoruky tại căn cứ của Hạm đội Phương Bắc ở Gadzhiyevo ngày 16/3/2017. (Ảnh: Getty)
Mặc dù nhỏ hơn so với các tàu lớp Typhoon nổi tiếng, tàu ngầm lớp Borei được xem như SSBN hiện đại nhất từng được chế tạo. Hệ thống sonar mới và hệ thống bơm nước phản lực giúp tàu lớp Borei hoạt động ít tiếng ồn hơn so với các tàu trước đó. Tàu cũng có bộ thiết bị điện tử và hệ thống điều khiển mới.
Tàu lớp Borei có 6 ống phóng ngư lôi và 16 silo chứa SLBM RSM-56 Bulava mới.
Giống như tàu ngầm tên lửa dẫn đường chạy năng lượng hạt nhân lớp Yasen, việc sản xuất tàu lớp Borei liên tục bị trì hoãn, nhưng đổi lại điều đó cũng cho phép Nga cải thiện lại thiết kế. Kết quả là, tàu ngầm lớp Borei-A được tạo ra với công nghệ tiên tiến hơn.
Hiện có 4 tàu ngầm lớp Borei đang phục vụ trong Hải quân Nga. Tàu gần đây nhất trong số đó, Knyaz Vladimir, chính thức biên chế năm 2020 và là tàu Borei-A đầu tiên đi vào hoạt động. Tàu lớp Borei-A tiếp theo, Knyaz Oleg, hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Tàu ngầm lớp Borei-A Knyaz Vladimir tại căn cứ hải quân ở Gadzhiyevo ngày 3/7/2020. Ảnh: Getty
Dự kiến có 2 tàu ngầm lớp Borei biên chế trong Hạm đội Phương Bắc và 2 tàu khác biên chế trong Hạm đội Thái Bình Dương. Hải quân Nga sẽ có 10 tàu Boeri vào cuối thập kỷ này.
10 tàu Borei này ban đầu dự kiến được phân phối đều cho Hạm đội Phương Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương, nhưng sau cuộc tập trận Umka-2021, trong đó 3 tàu lớp Borei đã lần lượt nổi lên ở Bắc Cực, Bộ Quốc phòng Nga được cho là đã quyết định sẽ ưu tiên bàn giao cho Hạm đội Phương Bắc.