Nga vừa giới thiệu loại UAV bốn cánh quạt được trang bị một thiết bị phóng lưới có khả năng vô hiệu hóa UAV của đối phương. Hệ thống cải tiến này, được gọi là “Netcomet”, được xem là một giải pháp thay thế an toàn hơn và tiết kiệm hơn, thay vì dùng UAV của mình lao thẳng vào UAV đối phương. Netcomet đặc biệt hiệu quả khi đối phó với máy bay bốn cánh quạt Mavic.
Mặc dù ý tưởng này ban đầu xuất phát từ một số người sử dụng UAV dân sự ở Nga, nhưng Netcomet đang nhận được sự quan tâm và cân nhắc. Bởi chiến thuật mới này rất có tiềm năng để được đưa vào trang bị cho Quân đội Nga.
Điều khiến chiến thuật này trở nên đặc biệt hấp dẫn là Netcomet không phải là máy bay không người lái chuyên dụng, mà là một phụ kiện cho máy bay không người lái Mavic tiêu chuẩn, được kích hoạt bằng một công tắc đơn giản. Vì vậy mà hầu hết các loại máy bay không người lái đều có thể được trang bị hệ thống này.
UAV phóng lưới bắt mục tiêu.
Việc sử dụng lưới để chống lại máy bay bốn cánh quạt, được xem là một phương pháp độc đáo từng được thử nghiệm thực tế, kể từ khi những chiếc máy bay không người lái này trở nên phổ biến. Tuy nhiên, kỹ thuật này vẫn chỉ là một trong số nhiều lựa chọn và chưa trở thành giải pháp cuối cùng. Trong thời gian qua, các phương pháp như sử dụng hỏa lực phòng không, máy bay không người lái đánh chặn và lưới kéo trên không cũng đã được phát triển để ngăn chặn UAV.
Hơn nữa, trong video gốc giới thiệu về chiếc máy bay không người lái được trang bị hệ thống Netcomet đã nêu rõ rằng, có nguy cơ “bắn nhầm” đáng kể. Điều này có nghĩa là các hoạt động như vậy cần được tiến hành phối hợp chặt chẽ với các đơn vị gần đó. Ngoài ra, việc vận hành hệ thống này đòi hỏi các kỹ năng chuyên môn, do đó nên giao việc sử dụng cho một nhóm UAV chuyên dụng.
Thiết bị bắt máy bay không người lái bằng lưới phóng là một loại công nghệ chống UAV tiết kiệm và đơn giản. Các hệ thống này thường sử dụng cơ chế phóng lưới để bắt máy bay không người lái mục tiêu giữa không trung, ngăn không cho nó hoàn thành nhiệm vụ hoặc gây hại.
Nguyên lý hoạt động của những máy bắt máy bay không người lái này bao gồm phát hiện và theo dõi máy bay không người lái mục tiêu bằng radar, cảm biến quang học hoặc các công nghệ theo dõi khác. Khi đã xác định và khóa mục tiêu, hệ thống sẽ phóng lưới, từ bệ phóng trên mặt đất hoặc từ máy bay không người lái khác, để bẫy mục tiêu. Lưới có thể được triển khai bằng khí nén, cơ chế lò xo hoặc thậm chí là các chất nổ nhỏ để đảm bảo triển khai nhanh chóng và chính xác.
Một số hình ảnh dùng lưới bắt UAV từng được thử nghiệm.
Khi bắt thành công, lưới sẽ làm vướng vào cánh quạt và các thành phần quan trọng khác của máy bay không người lái, khiến máy bay không thể bay. Một số hệ thống được thiết kế để đưa máy bay không người lái bị bắt xuống đất một cách an toàn, trong khi một số hệ thống khác sẽ khiến máy bay không người lái rơi thẳng xuống đất và hư hại. Phương pháp này đặc biệt có lợi trong môi trường đô thị hoặc các khu vực nhạy cảm, nơi các biện pháp đối phó động học truyền thống có thể gây nguy hiểm cho con người hoặc cơ sở hạ tầng.
Một số quốc gia đang tích cực phát triển và triển khai các công nghệ bắt máy bay không người lái. Mỹ đã đi đầu với nhiều nhà thầu quốc phòng và công ty công nghệ đang nghiên cứu các hệ thống phóng lưới tinh vi. Hà Lan cũng đã khám phá các phương pháp tiếp cận sáng tạo, bao gồm huấn luyện đại bàng để chặn máy bay không người lái, mặc dù phương pháp này đã được triển khai thực tế nhưng hiệu quả khá hạn chế.
Nhật Bản cũng đầu tư lớn vào công nghệ bắt máy bay không người lái, đặc biệt là để bảo vệ các sự kiện công cộng lớn và cơ sở hạ tầng quan trọng. Cảnh sát Nhật Bản đã sử dụng máy bay không người lái có lưới để bắt máy bay không người lái trái phép trong các sự kiện cấp cao. Tương tự như vậy, Vương quốc Anh đã phát triển các hệ thống cho cả ứng dụng quân sự và dân sự, tập trung vào việc bảo vệ sân bay và các địa điểm nhạy cảm khác khỏi sự xâm nhập của máy bay không người lái.