Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nga: Châu Âu sẽ bất ổn nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO

(VTC News) -

Nga cảnh báo việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự NATO sẽ không mang lại sự ổn định cho châu Âu.

Theo Reuters đưa tin hôm 11/4, Nga cho rằng việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ không mang lại sự ổn định cho châu Âu và làm gia tăng thêm căng thẳng giữa hai bên.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Chúng tôi đã liên tục nhắc lại rằng liên minh này là một công cụ hướng tới sự đối đầu, và việc nó mở rộng sẽ không mang lại sự ổn định cho châu Âu”.

Nga cảnh báo việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ không mang lại sự ổn định cho châu Âu. (Ảnh minh họa)

Trước đó, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ nói khả năng Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO đang được ngoại trưởng các nước thành viên liên minh thảo luận ở Brussels. Theo Times, dự kiến Phần Lan sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 6/2022, và Thụy Điển sẽ có bước đi tương tự sau đó.

Các nguồn tin của Times cũng cho biết chính phủ Phần Lan và Thụy Điển đang làm việc để đạt được sự nhất trí trong nước về vấn đề gia nhập NATO. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cả Thụy Điển và Phần Lan đều đang đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng. Các quan chức quân sự ở Helsinki đã công bố kế hoạch mua máy bay không người lái trị giá 14 triệu euro (15,2 triệu USD) cho quân đội Phần Lan. Còn Thụy Điển cho biết sẽ tăng chi tiêu quốc phòng thêm 3 tỷ kronas (317 triệu USD) vào năm 2022.

Nga đã luôn thể hiện mong muốn có sự đảm bảo từ các nước phương Tây rằng NATO sẽ không mở rộng về phía Đông, nhưng NATO không đồng tình với đề xuất này. Trong hoàn cảnh tranh cãi về khả năng Ukraine trở thành thành viên NATO, Moskva khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại nước này ngày 24/2. 

Sau nhiều vòng đàm phán nhằm giải quyết xung đột, Ukraine được cho là đã đề xuất áp dụng quy chế trung lập để đổi lấy đảm bảo an ninh. Đề xuất đồng nghĩa với việc Kiev sẽ không tham gia các liên minh quân sự hay cho phép đặt các căn cứ quân sự tại nước này.

Tuy nhiên, với tình hình phức tạp trên chiến trường, hai bên đến nay vẫn chưa đưa ra được thỏa thuận. 

Phương Anh (Nguồn: Reuters)

Tin mới