Ngày 10/6, Ông Andrey Kartapolov - Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) nhận định với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti rằng, bất kỳ sân bay nào được sử dụng để triển khai F-16 của Ukraine, dù ở trong hay ngoài nước này đều sẽ là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga nếu chúng tham gia các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Moskva.
Ông Kartapolov cũng làm rõ, Moskva sẽ không có hành động quân sự nhằm vào các cơ sở quân sự của phương Tây được sử dụng để chuyển giao hoặc bảo dưỡng F-16 cho Ukraine. Tuy nhiên nếu các máy bay F-16 cất cánh từ các căn cứ nước ngoài và thực hiện các cuộc xuất kích chống lại lực lượng Nga, cả máy bay chiến đấu và sân bay mà chúng đóng quân sẽ bị tấn công.
Tiêm kích F-16C của không quân Mỹ trong một cuộc tập trận với Ukraine vào năm 2011. (Ảnh: Không quân Mỹ)
“Về năng lực của phòng không Nga, chúng tôi có thể bắn hạ bất cứ máy bay nào, ở bất cứ đâu”, ông Kartapolov nhấn mạnh.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Ukraine dự kiến sẽ nhận được các tiêm kích F-16 từ phương Tây vào mùa hè này.
Đan Mạch và Hà Lan đang là những quốc gia dẫn đầu những nỗ lực trên. Đan Mạch dự kiến sẽ cung cấp những chiến đấu cơ F-16 đầu tiên cho Kiev vào mùa hè trong khi Hà Lan dự kiến chuyển giao vào mùa thu. Các tiêm kích F-16, được biết đến với công nghệ tiên tiến, dự kiến sẽ tăng cường đáng kể khả năng trên không của Ukraine cũng như đối phó với các cuộc tấn công của Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 9/6, Tư lệnh không quân Ukraine Sergey Golubtsov, một số máy bay chiến đấu F-16 do phương Tây tặng cho Kiev sẽ đóng quân tại các căn cứ không quân nước ngoài.
Ông Golubtsov giải thích rằng phi đội máy bay chiến đấu F-16 sắp hoạt động của Ukraine sẽ tự bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công của điện Kremlin bằng cách bố trí một số chiếc ở nước thứ ba mà Liên bang Nga khó có khả năng tấn công. Chỉ có một số ít sẽ được triển khai trực tiếp tại Ukraine.
Động thái này được xem là nhằm đảm bảo liên tục có một số lượng chiến đấu cơ F-16 nhất định được vận hành tương ứng với số lượng phi công mà Ukraine có và khi nào sẽ có nhiều phi công hơn thì sẽ có nhiều máy bay hơn ở Ukraine.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng cảnh báo rằng Moskva sẽ coi việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine là một mối đe dọa hạt nhân, vì các máy bay phản lực này từ lâu đã được sử dụng như một phần trong các sứ mệnh hạt nhân chung của khối do Mỹ đứng đầu.
Ông Lavrov cũng nhấn mạnh các máy bay phản lực do Mỹ thiết kế sẽ không làm thay đổi tình hình trên chiến trường và sẽ bị bắn hạ và phá hủy như bất kỳ loại vũ khí nước ngoài nào khác cung cấp cho Ukraine.