Trong kiến trúc, bậc thềm có chức năng kết nối giữa ngôi nhà và sân. Theo quan niệm phong thủy, bậc thềm đóng vai trò khá quan trọng vì vậy nên xây thềm nhà bao nhiêu bậc cho hợp phong thủy là điều nhiều người quan tâm khi thi công nhà.
Theo chuyên gia phong thủy - kiến trúc sư Phạm Cương, nhiều người quan niệm, số bậc thềm nhà cần được tính theo bội số của 4, trong đó mỗi bậc theo thứ tự sẽ lần lượt liên quan đến các yếu tố sinh, lão, bệnh, tử; tránh để bậc thang cuối cùng rơi vào "bệnh" và "tử". Tuy nhiên, phong thủy không coi quan niệm này là đúng.
Người phương Đông nghiên cứu triết lý về vận động và đưa ra chu trình tính bậc cầu thang 4n+1. Còn người phương Tây nghiên cứu sự vận động của cầu thang theo tiêu chí thuận tiện, nên tính số bậc thềm nhà là 2n+1.
Chuyên gia Phạm Cương phân tích, số bậc thềm nhà rơi vào nhịp lẻ sẽ tốt hơn. Người ta thường bước chân thuận lên bậc số 1, bậc số 2 sẽ là chân không thuận. Nếu bậc cuối cùng là số lẻ, rơi chân thuận thì ta sẽ bước lên một không gian khác bằng chân thuận hơn, nhờ đó sẽ tự tin, có tâm lý vững vàng hơn.
Nên xây thềm nhà bao nhiêu bậc? Thềm nhà có 3 bậc tam cấp sẽ thuận tiện khi sử dụng. (Ảnh: Laurbanasf)
Số bậc ở thềm nhà có sự khác nhau giữa các công trình xây dựng. Sự khác nhau này phụ thuộc và độ cao của thềm nhà so với nền sân.
Trong các ngôi nhà truyền thống, thềm thường có 3 bậc (tam cấp), phfu hợp với thuyết tam tài Thiên – Địa – Nhân. Hiện nay, với công trình nhà ở thông thường hoặc biệt thự, bậc thềm thường được xây 3 bậc hoặc 5 bậc. Còn các công trình đền chùa thường có 7 hoặc 9 bậc để mang lại sự tôn nghiêm.
Chuyên gia cũng cho rằng, khi thiết kế bậc nhà, cần quan tâm đến chiều cao của nền nhà so với sân hoặc đường. Cần thiết kế bậc thang sao cho mọi người đi lại thoải mái nhất, không nên làm bậc quá nhỏ, quá dốc kẻo đi lại khó khăn. Về mặt phong thủy, khi đó khí dẫn lên nhà kém đi, ảnh hưởng một phần đến tài lộc của ngôi nhà.
Thềm nhà của đền có 7 bậc. (Ảnh: Đá Lâm Tạo)
Theo chuyên gia phong thủy - kiến trúc sư Phạm Cương, trong văn hóa phương Đông, cửa chính là nơi ngăn cách không gian giữa ngôi nhà và môi trường bên ngoài. Khí hay năng lượng bên ngoài nạp vào nhà qua cửa chính và phân bổ đến các không gian khác trong nhà.
Quá trình di chuyển của con người từ ngoài vào trong cũng là quá trình nạp khí cho ngôi nhà. Hiện nay cửa chính thường có nhiều cách thiết kế: Cửa mở vào trong nhà, cửa mở ra ngoài, cửa cánh trượt….
Theo quan niệm phong thủy thì cửa chính nên mở vào trong là tốt nhất vì thuận với chiều vận động đi vào của người dùng, các dòng năng lượng sẽ được nạp vào tối đa qua cửa chính. Cửa mở ra ngoài sẽ ngược vào chiều di chuyển của con người, vì vậy khí nạp vào nhà sẽ bị cản trở.
Cửa chính nên mở vào trong là tốt nhất. (Ảnh: Jenniferallwoodhome)
Ngoài ra, với những ngôi nhà ngay sát mặt đường không có vỉa hè, cửa mở ra ngoài sẽ chiếm dụng không gian công cộng, đôi khi còn tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn cho người đi đường.
Với những nhà diện tích quá chật, cửa mở vào trong chiếm nhiều diện tích thì có thể thiết kế cửa kiểu cánh trượt, về phong thủy cũng đạt yêu cầu.
(*) Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.