Nhận định trên được đưa ra trong thông cáo chung sau hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra hôm 14/6.
Thông cáo bày tỏ quan ngại trước "các chính sách cưỡng chế" của Bắc Kinh, nhấn mạnh tham vọng và hành vi quyết đoán của Trung Quốc đang đặt ra thách thức mang tính hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các lĩnh vực liên quan đến an ninh của liên minh.
Trong cuộc họp báo sau hội nghị, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng Trung Quốc - quốc gia sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới đang tích lũy đầu đạn hạt nhân và đầu tư vào “các công nghệ đột phá” như nhận dạng khuôn mặt.
Quân đội Trung Quốc trong một cuộc tập trận bắn đạn thật vào tháng trước. (Ảnh: AP)
“Điều này đang thay đổi bản chất của chiến tranh theo cách mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Điều này ảnh hưởng đến an ninh của chúng ta. Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và các chính sách quốc tế đặt ra những thách thức đối với an ninh của liên minh. Các nhà lãnh đạo nhất trí rằng chúng ta cần cùng nhau giải quyết những thách thức đối với tư cách là một liên minh để bảo vệ lợi ích an ninh của mình", ông Stoltenberg cho hay.
Tổng thư ký NATO lưu ý Trung Quốc đã tập trận chung cùng với Nga ở vùng biển bắc Đại Tây Dương cùng như tham gia vào các cuộc tấn công mạng và đang "kiểm soát cơ sở hạ tầng ở châu Phi".
"Chúng ta thấy rằng Trung Quốc đang đến gần chúng ta hơn. Chúng ta cần giải quyết những thách thức mà sự trỗi dậy của Trung Quốc gây ra đối với an ninh của chúng ta mặc dù rất nhiều đồng minh có quan hệ kinh tế với Trung Quốc", ông nhấn mạnh.
Tuyên bố của NATO được đưa ra một ngày sau khi nhóm các nước G7 ra tuyên bố kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, đặc biệt liên quan đến Tân Cương và Hong Kong.
Bắc Kinh đáp trả bằng cách yêu cầu G7 ngừng vu khống Trung Quốc cũng như can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia này.
Theo các chuyên gia, các cường quốc châu Âu thường có lập trường ôn hòa hơn đối với Trung Quốc so với Mỹ khi mô tả Bắc Kinh là một đối tác thương mại quan trọng và đồng minh tiềm năng trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Sau thông cáo của NATO, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng Trung Quốc không phải là một vấn đề đối với liên minh trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định không nên phóng đại tầm quan trọng của tuyên bố này.
"Trung Quốc là đối thủ trong nhiều vấn đề, đồng thời là đối tác trong nhiều lĩnh vực. Bạn không thể đơn giản bỏ qua Trung Quốc... Chúng ta cần phải tìm ra sự cân bằng phù hợp", bà Merkel nói.