Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ ngăn NATO ra đòn mạnh tay với Belarus?

(VTC News) -

NATO vừa họp để đưa ra tuyên bố chung về vụ Belarus chặn máy bay bắt giữ nhà báo độc lập Roman Protasevich song với lời lẽ mền mỏng bất ngờ.

Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao cho hay, hôm 26/5, NATO ra tuyên bố chung, lên án Belarus chặn chuyến bay thương mại của hãng Ryanair để bắt giữ nhà báo độc lập Roman Protasevich. Tuy nhiên, NATO không thể đưa ra các biện pháp trừng phạt Belarus theo đề xuất của các nước Baltic và Ba Lan.

Tuyên bố chung của NATO cuối cùng được thông qua song ít cứng rắn hơn so với những nhận xét công khai của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về vụ việc. Trước đó, ông Jens Stoltenberg gọi vụ việc là một "không tặc" và "thái quá".

Cờ của các nước thành viên NATO tung bay tại trụ sở ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: Reuters)

Theo nguồn tin Reuters, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các điều khoản đề xuất về áp đặt lệnh trừng phạt đối với Belarus cũng như kêu gọi thả các tù nhân chính trị sẽ không nên đưa vào văn bản tuyên bố chung. Bên cạnh đó, ngôn từ đe dọa đình chỉ hợp tác của NATO với Belarus cũng bị xóa bỏ.

Nguồn tin Reuters cũng cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đang cố gắng duy trì quan hệ với Nga - đồng minh thân cận nhất của Belarus và duy trì quan hệ kinh tế với Belarus thông qua Turkish Airlines - hãng hàng không có các chuyến bay đến Minsk. Một khả năng khác có thể là Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn chào đón khách du lịch Nga vào mùa hè này sau đại dịch COVID-19.

"Tuyên bố của NATO về Belarus đã được cả 30 nước thành viên đồng thuận. Chúng tôi không đi sâu vào chi tiết các cuộc thảo luận của NATO, vốn là thông tin bí mật", Reuters dẫn lời quan chức NATO cho biết.

Các nhà ngoại giao cho biết sự khăng khăng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đưa ra biện pháp trừng phạt "nhẹ hều" đối với Belarus khiến một số đồng minh, đặc biệt là Ba Lan, Litva và Latvia không hài lòng. Những nước này đã thúc đẩy NATO đưa ra những từ ngữ cứng rắn hơn, thậm chí là biện pháp trừng phạt đối với Belarus.

Một nhà ngoại giao châu Âu có mặt tại cuộc thảo luận của NATO cho hay: "Nhiều thành viên NATO rất thất vọng với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều quan trọng là NATO phải đáp trả trước hành động của Belarus, không rõ tại sao Ankara lại muốn bảo vệ Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko".

Thổ Nhĩ Kỳ đã mua tên lửa phòng không từ Nga. Mỹ và EU lên án động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng nước này đang đi lạc hướng dưới thời của Tổng thống Tayyip Erdogan, đặc biệt là kể từ cuộc đảo chính thất bại năm 2016.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có quân đội lớn thứ hai trong NATO và nằm ở vị trí chiến lược giữa châu Âu và Trung Đông, bờ biển trên Biển Đen và Địa Trung Hải. Do đó, nước này có vai trò, vị trí quan trọng mà EU và Mỹ không thể bỏ qua.

Trước đó, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Belarus, trong đó cấm các chuyến bay quá cảnh nước này, cấm các hãng hàng không Belarus sử dụng không phận hoặc sân bay các quốc gia thành viên EU.

Lệnh trừng phạt của EU và phản ứng của các nước phương Tây được đưa ra sau sự cố Belarus điều tiêm kích chặn máy bay hôm 23/5. Theo đó, máy bay của hãng Ryanair đang trên đường từ Athens (Hy Lạp) đến thủ đô Vilnius (Litva) bị tiêm kích Belarus ép chuyển hướng đến thủ đô Minsk. Nhà báo đối lập Belarus Roman Protasevich bị bắt sau khi máy bay hạ cánh.

Kông Anh

Tin mới