Tàu HMS Queen Elizabeth tham gia vào các cuộc tập trận của NATO ở Địa Trung Hải trong tuần này, ngay trước hành trình kéo dài tháng trong đó có đi vào Biển Đông nhằm gửi thông điệp tới Bắc Kinh rằng các tuyến đường biển cần phải được để mở.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth là một “tuyên bố cực kỳ mạnh mẽ”, Hạm trưởng Steve Moorhouse nói với Reuters trên boong tàu ngoài khơi bờ biển Bồ Đào Nha trong lúc một tiêm kích F-35B cất cánh.
“Nó thể hiện rằng, chúng tôi là một lực lượng hải quân toàn cầu và đang muốn trở lại đó. Mục đích của chúng tôi là lần triển khai này sẽ là một phần của sự hiện diện liên tục của Anh ở khu vực đó”, ông Moorhouse nói, đề cập tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong đó có cả Ấn Độ và Australia.
Anh là đồng minh chiến đấu chính của Mỹ ở Iraq và Afghanistan, cùng với Pháp, lực lượng quân sự trọng yếu ở Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, việc Anh bỏ phiếu rời EU năm 2016 đã làm dấy lên câu hỏi về vai trò toàn cầu của khối này.
Tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth tập trận cùng NATO ở Địa Trung Hải trước chuyến đi tới Biển Đông. (Ảnh: Reuters)
Đáp lại những mối lo ngại này, cuối năm 2020, Anh đã công bố mức tăng chi tiêu quân sự nhiều nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, đồng thời “quảng bá” về tàu sân bay mới, được chế tạo với chi phỉ hơn 3 tỷ bảng Anh (4.26 tỷ USD).
Tàu HMS Queen Elizabeth sẽ tập trận với tàu hải quân của Mỹ, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc dọc hành trình, ông Moorhouse cho biết.
Những đe dọa và thách thức
Anh, cũng giống như Trung Quốc, hiện có 2 tàu sân bay, và cả 2 nước đều kém xa Mỹ với 11 tàu.
Tàu sân bay mới của Anh có thể triển khai 8 tiêm kích F-35B của Anh, và 10 tiêm kích F-35 của Mỹ, cùng 250 lính thủy quân lục chiến trong thủy thủ đoàn gồm 1.700 người.
Tàu HMS Queen Elizabeth sẽ cùng 2 tàu khu trục, 2 khinh hạm, 1 tàu ngầm và 2 tàu hỗ trợ thực hiện hành trình 26.000 hải lý. Một tàu khu trục Mỹ và một khinh hạm của Hải quân Hà Lan cũng sẽ tham gia hành trình này.
Khi được hỏi về các nỗ lực của Anh gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc – một chiến lược mà cả EU cũng đang thực hiện và được NATO ủng hộ - Hạm trưởng Moorhouse nói rằng: “Chúng tôi muốn duy trì các quy tắc quốc tế… sự hiện diện của chúng tôi ở đó có vai trò quan trọng”.
Tiêm kích F-35B trên boong tàu sân bay HMS Queen Elizabeth ngoài khơi Bồ Đào Nha. (Ảnh: Reuters)
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp ở phần lớn Biển Đông, khu vực giàu năng lượng và có tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới. Mỹ lâu nay luôn phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, thường xuyên điều tàu chiến tới khu vực này để tiến hành các chuyến đi tự do hàng hải.
Trước khi tới Biển Đông, tàu sân bay Anh tham gia vào cuộc tập trận lớn nhất của NATO trong năm ở Địa Trung Hải có tên Steadfast Defender, trong đó có cả tập trận trực tiếp trên biển với khoảng 5.000 binh sỹ và 18 tàu thuyền.
“Điều đó sẽ gửi đi thông điệp về sự kiên quyết của NATO. Chúng tôi đối mặt với các mối đe dọa và thách thức trên toàn cầu, trong đó có cả sự thay đổi cán cân sức mạnh với sự nổi lên của Trung Quốc”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh.