9 tàu, 32 máy bay và 3.700 nhân viên ra khơi hôm 22/5 trong đợt triển khai hoạt động đầu tiên của nhóm tấn công tàu sân bay Anh. Trong hoạt động kéo dài 8 tháng, nhóm dự kiến đi qua Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tương tác với hơn 1/5 các quốc gia trên thế giới.
Tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhóm tàu dự kiến đi qua Biển Đông.
Cụ thể, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ dẫn theo 6 tàu hải quân hoàng gia Anh, 1 tàu ngầm, 1 tàu khu trục của hải quân Mỹ và 1 tàu khu trục nhỏ từ Hà Lan.
Video: Nhóm tấn công tàu sân bay Anh chuẩn bị đến Biển Đông gồm những gì?
Nữ hoàng Elizabeth II đã đến thăm con tàu cùng tên mình sáng 22/5, trước khi tàu sân bay khởi hành từ Portsmouth. Bà gặp gỡ các thành viên trên tàu và chúc họ may mắn. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng nằm trong số những người tới thăm HMS Queen Elizabeth trước khi khởi hành, cùng với một số quan chức khác.
Theo tài liệu quốc phòng Anh phát hành gần đây, nhóm tấn công tàu sân bay này nhằm minh chứng cho cam kết của Vương quốc Anh trong việc sẵn sàng đối đầu với các mối đe dọa trong tương lai cùng với các đối tác quốc tế, và giúp nắm bắt những cơ hội mới.
Mở ra chương mới
Việc triển khai nhóm tàu chủ yếu nhằm xây dựng lại khả năng tấn công tàu sân bay của Anh - hành trình kéo dài một thập kỷ hiện đang bước vào chương tiếp theo.
HMS Queen Elizabeth là tàu nổi lớn nhất và mạnh nhất trong lịch sử của hải quân Hoàng gia Anh. Tàu do một dàn nhân viên hơn 10.000 người xây dựng.
Máy bay F-35 hạ cánh trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. (Ảnh: Getty)
Thủ tướng Anh tuyên bố vào tháng 11 về việc tăng tài trợ quốc phòng hơn 24 tỷ bảng trong vòng 4 năm tới, cho phép lực lượng vũ trang thích ứng để đối phó với các mối đe dọa trong tương lai. Nhóm tàu trong nhiệm vụ sắp tới sẽ do 3.700 nhân viên từ các lực lượng vũ trang Anh, Mỹ và Hà Lan vận hành.
Tham gia cùng tàu sân bay là hạm đội tàu mặt nước gồm các tàu khu trục Type 45, HMS Defender và HMS Diamond, các khinh hạm chống ngầm Type 23 HMS Kent và HMS Richmond, RFA Fort Victoria và RFA Tidespring của hạm đội Hoàng gia.
Trong khi đó, sức mạnh không quân trong nhóm sẽ tập trung vào các máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, bao gồm khoảng 18 máy bay.
Là một cỗ máy đa chức năng, máy bay chiến đấu F-35 có khả năng thực hiện đồng thời các nhiệm vụ không đối đất, chiến tranh điện tự, thu thập thông tin tình báo và không đối không.
Máy bay kết hợp các cảm biến tiên tiến và hệ thống nhiệm vụ với công nghệ quan sát thấp, còn gọi là “tàng hình”, giúp nó khó bị phát hiện trong không phận đối thủ. Các liên kết dữ liệu của nó cũng cho phép phi công chia sẻ thông tin do máy bay thu thập với các nền tảng khác, dử dụng nhiều loại phương tiện.
Khả năng cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng của máy bay này giúp nó có thể hoạt động từ tàu sân bay Elizabeth cũng như các đường băng ngắn.
Hai tàu HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales.
Các máy bay khác hoạt động cùng là 4 trực thăng tấn công hàng hải Wildcat, 7 trực thăng chống ngầm Merlin Mk2 và 3 trực thăng biệt kích Merlin Mk4. Đây là số lượng trực thăng lớn nhất được giao cho một nhóm chuyên trách của Vương quốc Anh trong một thập kỷ.
Khi một phiên bản của nhóm tấn công tàu sân bay này cùng nhau ra khơi trong cuộc tập trận ngoài khơi Scotland vào mùa thu năm 2020, bộ quốc phòng Anh đã cho biết họ mang theo "lượng máy bay chiến đấu tập trung lớn nhất hoạt động trên biển từ tàu sân bay của hải quân Hoàng gia kể từ HMS Hermes năm 1983"
Họ cũng cho biết đây là "nhóm máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm trên biển lớn nhất ở bất kỳ đâu trên thế giới".