NATO chỉ trích quyết định của Nga khi rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu, tuyên bố liên minh quân sự này cũng đình chỉ thỏa thuận.
"Việc Nga rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) đi ngược lại với mục tiêu của hiệp ước. Nga rút khỏi CFE là động thái mới nhất trong loạt hành động đang làm xói mòn an ninh khu vực châu Âu - Đại Tây Dương một cách có hệ thống", NATO cho biết.
NATO đình chỉ tham gia Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) sau quyết định của Nga. (Ảnh: Getty)
“Do đó, các nước NATO sẽ đình chỉ thực hiện hiệp ước CFE trong thời gian cần thiết. Đây là quyết định đã được toàn bộ thành viên NATO ủng hộ", liên minh quân sự NATO cho biết thêm.
Đồng thời, NATO khẳng định cam kết giảm thiểu rủi ro quân sự, ngăn chặn những hiểu lầm và xung đột, cũng như xây dựng khuôn khổ kiểm soát vũ khí thông thường hiệu quả.
Trong khi đó, Mỹ thông báo nước này sẽ đình chỉ CFE từ ngày 7/11. Cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan nói Nga rút khỏi CFE và xung đột Nga - Ukraine đã thay đổi bối cảnh liên quan hiệp ước và nghĩa vụ của các bên liên quan.
Hiệp ước CFE được khối Liên Xô và các thành viên NATO ký kết năm 1990 trong những tháng cuối cùng của Chiến tranh Lạnh. Hiệp ước này đặt giới hạn về số lượng xe tăng, xe bọc thép, pháo binh, trực thăng và máy bay đồn trú ở châu Âu.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, mặc dù thỏa thuận ban đầu giúp ổn định khuôn khổ an ninh ở châu Âu, nhưng khối quân sự do Mỹ đứng đầu sau đó bắt đầu công khai lách các hạn chế, bao gồm cả việc kết nạp thành viên mới.
Trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây về vấn đề Ukraine, Nga đã chấm dứt tham gia các cơ chế CFE vào năm 2015, gọi hiệp ước này là “lỗi thời”. Đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký luật chấm dứt tham gia CFE và chính thức rút khỏi hiệp ước hôm 7/11.
Bộ Ngoại giao Nga loại trừ khả năng đạt được một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới với phương Tây, nói rằng không thể đàm phán NATO.
"Chỉ khi họ quay trở lại các quan điểm mang tính xây dựng và thực tế thì đối thoại mới có thể được hồi sinh như một phần trong nỗ lực định hình một hệ thống an ninh mới của châu Âu", Bộ Ngoại giao Nga cho hay.