Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

NATO chia rẽ về việc kết nạp Ukraine, lo ngại nguy cơ chiến tranh với Nga

Các nước NATO đang gặp bế tắc trong các cuộc đàm phán nhằm quyết định những bước đi tiếp theo trong lộ trình gia nhập liên minh của Ukraine.

Chia rẽ về việc kết nạp Ukraine

Các cuộc thảo luận về chủ đề trên ngày càng nóng lên trong những tuần trước thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo NATO khác dự kiến sẽ gặp nhau tại Vilnius, Litva để tăng cường kế hoạch hỗ trợ Ukraine nhằm củng cố khả năng phòng thủ trước Nga - quốc gia mà họ cho là đã làm thay đổi hàng thập kỷ tương đối ổn định ở châu Âu khi bắt đầu chiến dịch quân sự.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Ảnh: Reuters)

Các quan chức giấu tên từ một số nước NATO cho biết, bất chấp lời kêu gọi của Ukraine, 31 thành viên liên minh đều nhất trí rằng sẽ chưa gửi tới Ukraine lời mời gia nhập chính thức tại Hội nghị Thượng đỉnh vào ngày 11 và 12/7 tới.

Tuy nhiên, các nước Đông Âu đang thúc đẩy các bước đi cụ thể để hướng đến mục tiêu này, trong đó có cam kết về khung thời gian gia nhập của Ukraine, thậm chí cả khi Mỹ và một số nước Tây Âu thực hiện những bước đi khiêm tốn hơn, chẳng hạn như nâng cấp cơ chế hợp tác giữa NATO và Ukraine, hoặc tăng cường hỗ trợ cho ngành quốc phòng.

"Hội nghị Thượng đỉnh Vilnius sẽ không phải là một sự kiện kịch sử", Đại sứ Ukraine tại NATO Nataliia Galibarenko cho hay, đồng thời nhận định, sẽ "không có quyết định nào được đưa ra về tương lai của Ukraine trong liên minh".

Bất chấp những khó khăn liên quan đến việc gia nhập NATO, giữa bối cảnh xung đột đang diễn ra, Ukraine tin rằng NATO sẽ "định nghĩa một lộ trình cho tư cách thành viên của chúng tôi" thay vì lặp lại tuyên bố về "chính sách mở cửa", Đại sứ Galibarenko nói, đồng thời cho rằng "điều này là không đủ".

Sự chia rẽ giữa các thành viên NATO - 15 năm sau khi Mỹ đi đầu trong việc thúc đẩy tuyên bố rằng Ukraine cuối cùng sẽ gia nhập liên minh, đã cho thấy những rủi ro mà động thái này có thể gây ra trong căng thẳng giữa phương Tây và Nga. Điều này cũng nhấn mạnh những thách thức dài hạn tiềm tàng trong NATO, bất chấp sự thống nhất của liên minh này trong việc phản ứng với cuộc xung đột ở Ukraine.

Từ lâu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích việc NATO kết nạp các nước thuộc Liên Xô cũ và coi đây là mối đe dọa với an ninh của Nga.

Tuuli Duneton, một quan chức cấp cao tại Bộ Quốc phòng Estonia cho biết Hội nghị Thượng đỉnh Vilnius mang đến cơ hội để gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới Ukraine rằng: "Sau tất cả những gì họ trải qua, vị trí của họ thuộc về NATO".

Quan chức ở các nước vùng Baltic đã đề xuất, NATO nên gửi lời mời gia nhập chính thức tới Ukraine tại Vilnius, hoặc khởi động một quy trình thiết lập khung thời gian và các điều kiện cụ thể cho sự gia nhập của Ukraine, thậm chí cả khi điều này kéo dài do xung đột đang diễn ra.

Ngoại trưởng Cộng hòa Séc Jan Lipavsky cho biết, "danh sách mong muốn" của ông trong Hội nghị Thượng đỉnh Vilnius bao gồm việc "cung cấp một lộ trình phù hợp" cho việc Ukraine gia nhập NATO. Điều đang được thảo luận trước thềm hội nghị là "mức độ ủng hộ chính trị" về việc làm thế nào để đẩy nhanh quá trình này.

Các quốc gia ủng hộ việc kết nạp nhanh chóng Ukraine đều cho rằng việc này sẽ đẩy lùi cuộc tấn công của Nga. Họ cho rằng lịch sử đã cho thấy, tư cách thành viên - chứ không phải một lời hứa hẹn, mới có thể ngăn cản Nga sử dụng vũ lực.

Trong một bài đăng tải trên Foreign Affairs, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi hành động nhanh chóng và cho biết Ukraine đã cho thấy khả năng sẵn sàng trong 18 tháng qua.

"Đã đến lúc NATO cần dừng viện cớ và bắt đầu quá trình hoàn tất thủ tục kết nạp cuối cùng cho Ukraine, cũng như cho Tổng thống Putin thấy rằng ông ấy đã thất bại", Ngoại trưởng Dmytro Kuleba nói.

Lo ngại chiến tranh với Nga

Tuy nhiên, không giống như năm 2008, Mỹ, cùng với các nước lớn ở Tây Âu muốn một bước đi thận trọng hơn.

Các quan chức Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Biden muốn các nước NATO ưu tiên cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ quân sự bởi nước này đang chuẩn bị cho cuộc phản công được dự đoán từ lâu. Họ coi tư cách thành viên và những đảm bảo an ninh tương lai là những vấn đề nên được giải quyết như một phần của thỏa thuận cuối cùng trong xung đột.

"Trọng tâm ở thời điểm này là sự hỗ trợ thực tế và cách chúng ta duy trì sự hỗ trợ quân sự tốt nhất cho Ukraine", một quan chức cấp cao Mỹ nhận định với báo giới tại Brussels vào tháng trước.

"Đó là mục tiêu chính trị chủ yếu vào lúc này", quan chức trên cho hay, đồng thời nhận định quan hệ chính trị hậu xung đột giữa NATO và Ukraine sẽ chỉ dừng lại ở những cuộc thảo luận nếu chúng ta không đảm bảo rằng chúng ta có thể duy trì sự hỗ trợ an ninh".

Các quốc gia với lập trường thận trọng hơn thì chỉ ra rằng việc chấp nhận Ukraine gia nhập liên minh trong khi đang xung đột với Nga có thể tự động kích hoạt Điều 5 Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể, kéo liên minh này vào cuộc xung đột với cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Theo đó, những động thái nhanh chóng kết nạp Ukraine vào NATO sẽ chỉ khiến Nga leo thang chiến dịch quân sự hiện tại.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng sự ủng hộ của NATO cho Ukraine không đồng nghĩa với khung thời gian và lộ trình cụ thể về việc gia nhập liên minh. Tháng trước, ông hối thúc các nước trong liên minh tập trung vào việc tiếp tục hỗ trợ cho Kiev bởi "nếu không phải là một quốc gia độc lập có chủ quyền, việc thảo luận về tư cách thành viên sẽ không có ý nghĩa".

Bên cạnh lộ trình gia nhập, Ukraine đang thúc đẩy sự hợp tác thực tế hơn với NATO. Đại sứ Ukraine Galibarenko cho biết các ưu tiên của NATO là tạo nên một cấu trúc phòng thủ tên lửa và phòng không của Ukraine tương thích với NATO. Bà cũng cho rằng, tư cách thành viên của Ukraine nằm trong lợi ích của liên minh.

"Nếu không có Ukraine, sẽ không thể đảm bảo sức mạnh cho NATO ở sườn Đông. Trong khi Phần Lan và Thụy Điển tăng cường sườn Bắc thì Ukraine sẽ đảm bảo an ninh của Đông Âu và khu vực Biển Đen", bà Galibarenko nhận định.

Kiều Anh (VOV.VN/Washington Post)

Tin mới