Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hôm nay (23/6), tại Hà Nội, trời nắng nóng gay gắt, có nơi trên 39 độ C. Nắng nóng có tác động và gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Ngày 23/6, chỉ số tia UV ở Hà Nội có giá trị từ 8 đến 10, ứng với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Các loại tia UV có có thể tác động đến da.
Dưới đây là một số biện pháp giúp hạn chế ảnh hưởng của tia UV:
Mặc trang phục chống nắng
Trước hết, bạn cần đội nón có vành rộng hơn 2,5cm và có khả năng phủ được 2/3 khuôn mặt. Trong trường hợp đi bộ, bạn có thể che ô/dù để hạn chế tác động của ánh sáng.
Kế đó là đeo khẩu trang, ngoài tác dụng chống khói bụi nó còn giúp tránh được phần lớn tia cực tím. Người dùng nên chọn khẩu trang phủ kín mặt có màu đen, sậm bởi có thể chống nắng đến 90%, trong khi khẩu trang màu sáng chỉ có tác dụng 60%.
Trong khi đó, khẩu trang y tế thường quá mỏng và chỉ có thể cản bụi, không hiệu quả trong việc chống nắng và tia UV.
Bên cạnh đó bạn có thể trang bị thêm quần áo dài, hay áo khoác, nhất là khi phải di chuyển xa.
Bôi kem chống nắng
Theo trang Cancer.org, kem chống nắng thường có các nhân tố bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời (viết tắt là: SPF), có khả năng chống lại tia UV.
Chỉ số SPF càng cao, thời gian bảo vệ càng được lâu, tuy nhiên nếu quá cao sẽ gây kích ứng da. Nếu bôi kem chống nắng khi đi ra ngoài, tốt nhất bạn nên chọn loại phổ rộng (Broad Spectrum) để bảo vệ làn da khỏi tia UV đồng thời ở cả 2 loại A và B.
Kem chống nắng là một công cụ hữu hiệu chống lại tia UV.
Cần lưu ý bôi kem chống nắng từ 20 đến 30 phút trước khi ra ngoài trời. Kem chống nắng chỉ có tác dụng 2-3 tiếng, sau đó cần rửa mặt và thoa lại kem. Đặc biệt, cần bôi lại kem chống nắng sau 30-60 phút khi hoạt động mạnh, ra nhiều mồ hôi hoặc ở dưới nước.
Nếu để kem chống nắng trên da quá lâu mà không thoa lại sẽ càng dễ gây bắt nắng.
Kính chống tia UV
Theo trang Wiki How, mắt người cũng là một trong những bộ phận nhạy cảm và dễ tổn thương với tia UV nếu không được bảo vệ đúng cách.
Do đó, nếu phải đi ngoài trời nắng gắt, nhất là khi đi xa, bạn nên đeo kính có khả năng chống cả tia UV loại A và loại B.
Có thể trang bị thêm những loại kính chống tia UV khi ra ngoài trời nắng.
Trước khi mua kính, cần kiểm tra kính có ghi chỉ số chống tia UV hay không, nếu có thì xem tỉ lệ khoảng bao nhiêu phần trăm theo tiêu chuẩn UV ANSI để cân nhắc lựa chọn.
Đồng thời, kính chống nắng nên có kích thước lớn, che được toàn bộ vùng mắt, vừa giúp cản tia UV vừa giúp bảo vệ mắt khỏi gió, bụi.