Nguyễn Hoàng Dương, học sinh lớp 11, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội xuất sắc giành huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Hoá học quốc tế.
Hơn 20 ngày căng thẳng
7h tối 30/7, căn phòng nhỏ trong khuôn viên Đại học Sư phạm Hà Nội vẫn sáng đèn. Nguyễn Hoàng Dương (học sinh lớp 11, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng 3 thí sinh khác và 3 thầy cô trong đội tuyển Olympic Hoá học Việt Nam “nín thở” theo dõi lễ công bố kết quả cuộc thi Olympic Hoá học quốc tế lần thứ 52, diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ban tổ chức xướng tên thí sinh theo thứ tự từ bằng khen, huy chương đồng, bạc và vàng. 30 phút đầu tiên trôi qua, tên của 4 thí sinh đội tuyển Việt Nam vẫn chưa được xướng lên, khiến không khí căn phòng trở nên căng thẳng.
Tên thí sinh giành huy chương bạc vẫn không có Việt Nam. Khi đó cả đội tuyển như vỡ oà cảm xúc, vui mừng vì chắc chắn cả cả 4 thí sinh đều được huy chương vàng. Nam sinh Nguyễn Hoàng Dương đạt 94,08/100 điểm, đứng thứ 9 cuộc thi Olympic Hoá học quốc tế năm nay.
Với thành tích xuất sắc ấy, Hoàng Dương mang về cho gia đình, cho trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên và bản thân tấm huy chương vàng danh giá. “Tim em lúc đó như thắt lại vì vừa vui mừng, vừa hồi hộp. Em thở phào nhẹ nhõm vì thành tích đạt được đúng với những gì em kỳ vọng và cố gắng”.
Do ảnh hưởng COVID-19 nên kỳ thi Olympic Hoá học quốc tế năm nay rất đặc biệt. Kỳ thi lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến, vì vậy việc chuẩn bị và quá trình thi khá gấp rút. Tính từ ngày nước chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ công bố vẫn tổ chức kỳ thi cho tới ngày diễn ra chỉ khoảng hơn 20 ngày.
“Đó là cuộc chạy đua khắc nghiệt. Em chỉ có 3 tuần để chuẩn bị và dốc toàn lực trong khi các năm trước thời gian ôn luyện là 3 tháng. Thời gian không có nhiều, ngày nào em cũng phải học từ 8h sáng đến 8h tối cho đến sát ngày thi”, nam sinh chia sẻ.
Nguyễn Hoàng Dương (học sinh lớp 11, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra 25 mảng kiến thức dự kiến trong kỳ thi. Nói là giới hạn nhưng số lượng kiến thức khổng lồ khiến không chỉ 4 thí sinh mà các thầy cũng chạy đua dạy cấp tốc. Đội tuyển học trực tiếp tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
“Em không nhớ nổi đã làm bao nhiều bài tập Hóa học. Mỗi ngày chúng em cùng nhau làm rất nhiều bài khó. Mỗi người làm theo một cách độc lập, sau đó tìm ra cách giải hay nhất. Chúng em cạnh tranh ngay trong đội tuyển và học những cách làm bài của nhau”, cậu học trò nói.
Đến ngày thi, 4 thí sinh ngồi cách xa nhau trong căn phòng rộng chừng 30-50m2. Phòng có 3 camera phía trước, sau để thầy cô theo dõi và camera online để ban tổ chức quan sát, đảm bảo tuyệt đối không có có gian lận hay khoảng “thời gian chết”.
Sau 5 tiếng làm bài thi, thầy cô sẽ thu bài và scan trực tiếp bài trong phòng thi để gửi cho ban tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hoàng Dương làm được hết tất cả các câu hỏi, cũng có một số câu em không chắc chắn, nhưng cuối cùng em vẫn vào top 10 thí sinh có điểm cao nhất.
Biến bất lợi thành động lực
Trong kỳ thi Olympic Hoá học quốc tế năm nay, phần thi thực hành được lược bỏ, các thí sinh chỉ thi phần lý thuyết. Hoàng Dương cho rằng đây là lợi thế rất lớn với Việt Nam. Do đó các thầy cô tập trung ôn luyện với cường độ cao hơn, chuẩn bị kỹ lưỡng cho thí sinh.
Tham gia đội tuyển cùng các anh chị lớn tuổi hơn, Dương học hỏi được nhiều điều. Có người mạnh về tốc độ, kỹ năng giải bài; có người lại mạnh về tư duy; có người mạnh về sự cẩn thận, tỉ mỉ. Điều đó giúp Dương hoàn thiện kĩ năng của bản thân.
Ví như trong quá trình làm bài nam sinh luôn thử tốc độ với người nhanh nhất trong đội. Cậu cũng thử làm chậm hơn để so với người cẩn thận nhất, xem tỷ lệ % lỗi sai là bao nhiêu. Từ đó Dương tìm ra chiến thuật và tốc độ làm bài phù hợp với bản thân.
Hoàng Dương cùng bố mẹ và em trai.
Là người trực tiếp lãnh đội và bồi dưỡng 4 thí sinh tham dự Olympic Hoá học quốc tế năm 2020, PGS TS Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng khoa Hoá học, Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá, Hoàng Dương là học trò thông minh, có tình yêu rất lớn với môn Hoá.
Dù là thí sinh gặp bất lợi khi tham gia cuộc thi bởi 3/4 học sinh đội tuyển Việt Nam là học sinh lớp 12, còn Dương mới lớp 11, nhưng quá trình học tập em luôn tìm ra điểm mấu chốt của bài rất sớm. Em luôn trình bày bài khoa học, hiệu quả, không mất nhiều thời gian.
Thêm nữa Dương chịu áp lực từ dư luận và sự kỳ vọng của gia đình, thầy cô và Bộ GD&ĐT. Nhưng có lẽ cũng nhờ áp lực mà Dương biến thành động lực để vươn lên cố gắng nỗ lực tăng tốc không ngừng.
“Trong thời gian ôn luyện đội tuyển, tôi nhận thấy khoảng cách kiến thức của Dương và các bạn gần như không có. Cách em ấy làm bài tập đều rất nhanh và chính xác”, PGS Hà chia sẻ và hy vọng năm 2021, Dương tiếp tục tham đội tuyển và bảo vệ thành công tấm huy chương vàng.
Khổ luyện tạo trái ngọt
Hoàng Dương sinh ra trong gia đình có nền tảng liên quan mật thiết tới Hoá học, bố là PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng bộ môn Tâm thần, Đại học Y Hà Nội; còn mẹ là TS.BS Nguyễn Phương Thanh, hiện làm ở tập đoàn Abott của Mỹ.
Từ khi học lớp 8 trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam, Dương cảm nhận sự thú vị và gần gũi của môn Hóa học. Vì vậy nam sinh thường xuyên đến phòng thí nghiệm. Dương nói em thích Hóa vì "nó có sự đổi màu, có sự biến chuyển chất này sang chất nọ rất hay".
Kết thúc năm học lớp 8, 9, Dương xuất sắc cùng lúc đỗ ba trường chuyên Khoa học tự nhiên, chuyên Sư phạm và chuyên Amsterdam. Năm ấy, dù trường chuyên Sư phạm có học bổng toàn phần nhưng Dương chọn chuyên Khoa học tự nhiên.
Đội tuyển Olympic Hoá học Việt Nam năm 2020.
Theo học tại trường, tài năng của Dương sớm được thầy Vi Anh Tuấn, Hiệu phó phát hiện và cho cậu vào học dự thính cùng học sinh lớp 12 chuẩn bị thi học sinh giỏi quốc gia. Cũng nhờ bước đệm đó mà năm 2019 Dương đạt giải Ba môn Hoá kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lần đầu tiên trong lịch sử có học sinh lớp 10 đạt giải.
Năm đó, Dương xác định lớp 11 mới là năm chính để đi thi, nên em luôn giữ tâm lý thoải mái, cố gắng hết sức. Thời gian đầu gặp nhiều kiến thức bài mới, rất khó em khá căng thẳng, mệt mỏi. Nhưng nhờ tình yêu với môn Hoá, sau mỗi bài giải em lại có thêm kiến thức mới. Cứ như vậy Dương say mê và nỗ lực từng ngày. Với Dương đó không chỉ là kỷ niệm mà còn là thử thách khắc nghiệt để tạo ra kim cương cho bản thân.
Chị Nguyễn Phương Thanh, mẹ Dương chia sẻ, từ nhỏ Dương tự lập tốt. Chị chỉ dành thời gian hỏi han xem con muốn gì và kế hoạch của con như thế nào. "Tôi tôn trọng lựa chọn của con”, chị nói.