Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

‘Năm bầu cử’ 2024 ảnh hưởng thế nào đến thị trường thế giới?

(VTC News) -

Các quốc gia tổ chức bầu cử trong năm 2024 chiếm hơn một nửa số dân và hơn 60% về sản lượng các ngành trong nền kinh tế toàn cầu.

Hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới sẽ tổ chức các cuộc bầu cử lớn vào năm 2024, trong đó những diễn biến có thể tác động không nhỏ đến xu hướng thị trường, theo các nhà phân tích.

(Ảnh minh họa)

Châu Âu

6 cuộc bầu cử lớn sẽ diễn ra trên toàn lục địa già trong năm 2024, trong đó lần lượt từ ngày 10/3 ở Bồ Đào Nha, ngày 9/6 ở Bỉ, ngày 6-9/6 tại Nghị viện Châu Âu, cuối mùa thu/đông ở Croatia, tháng 11 ở Romania, và Áo (chưa rõ thời gian).

Chiến thắng gây sốc vào tháng 11/2023 của đảng Tự do ở Hà Lan đã khích lệ những người cực hữu theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu. Theo xu hướng này, số phiếu bầu của đảng Chega của Bồ Đào Nha có thể tăng gấp đôi, mặc dù các đảng cánh tả vẫn dẫn đầu.

Cổ phiếu và trái phiếu Italia có thể bị ảnh hưởng nếu lợi ích của các bên theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu bị coi là làm suy yếu cam kết hội nhập ở châu Âu. Tuy nhiên, việc EU tăng nợ chung để hỗ trợ quá trình phục hồi sau đại dịch đã giúp giảm bớt rủi ro về nợ của nước này.

Ngoài ra, với việc nghị viện EU tham gia sâu vào lập pháp và bầu chọn người đứng đầu cơ quan điều hành tiếp theo của khối, các thông tin về hỗ trợ thêm cho Ukraine và chính sách khí hậu cũng có thể thay đổi.

Nga

Nga cũng là một trong các quốc gia sẽ tổ chức bầu cử, vào ngày 17/3. Với kỳ bầu cử năm nay, Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin, được dự đoán gần như chắc chắn sẽ giành thêm 6 năm nắm quyền. Cuộc thăm dò cho thấy ông Putin có được tỷ lệ tán thành trên 80% ở Nga.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Putin có thể bộc lộ nhiều hơn suy nghĩ về cuộc chiến ở Ukraine. Trước đó, Tổng thống Nga đã cảnh báo phương Tây rằng mọi nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử sẽ bị coi là hành động gây hấn.

Các chính phủ phương Tây như Mỹ và Nhật Bản đang xem xét tịch thu các tài sản Nga bị đóng băng - như tiền mặt và trái phiếu chính phủ - do ngân hàng trung ương nước này nắm giữ ở nước ngoài. Nga cho biết sẽ trả đũa nếu điều đó xảy ra.

Nền kinh tế Nga đã được thúc đẩy nhờ sự gia tăng lớn trong chi tiêu quốc phòng, mặc dù tình trạng lạm phát vẫn còn tiếp diễn, một phần do đồng rúp mất giá.

Ấn Độ

Cuộc bầu cử của Ấn Độ sẽ diễn ra vào tháng 4 và tháng 5. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến sẽ giành được nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là vị thủ tướng lãnh đạo đảng Bharatiya Janata (BJP) trong cuộc bầu cử quốc gia.

Các nhà đầu tư chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc đã chuyển sang Ấn Độ. Trong bối cảnh đó, lạm phát dai dẳng được cho là có thể gây tổn hại cho BJP. Ông Modi sẽ cần phải thành lập một liên minh nếu không giành được đa số phiếu hoàn toàn.

(Ảnh minh họa)

Mexico

Cuộc bầu cử tổng thống Mexico sẽ diễn ra vào ngày 3/6, bên cạnh đó là các cuộc bầu cử quốc hội và 9 cuộc bầu cử cấp bang. Các cuộc thăm dò cho thấy đảng Phong trào Tái sinh Quốc gia (Morena) và ứng cử viên của đảng này, cựu thị trưởng Thành phố Mexico Claudia Sheinbaum, dẫn đầu với khoảng cách hai con số.

Theo dự đoán, Mexico có thể có một quốc hội cân bằng hơn. Nhưng với sự thành công trong nỗ lực chi tiêu của Tổng thống đương nhiệm Andres Manuel Lopez Obrador, người kế nhiệm dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng này và chi tiêu mạnh có thể kéo đồng peso của Mexico giảm giá, làm tổn thương trái phiếu chính phủ.

Mỹ

Bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 5/11. Hiện tại, cựu Tổng thống Donald Trump được dự đoán sẽ giành được đề cử của đảng Cộng hòa, tạo tiền đề cho một cuộc chiến sít sao với ứng cử viên – Tổng thống đương nhiệm của đảng Dân chủ Joe Biden. Kịch bản cuộc bầu cử năm 2020 sẽ được tái hiện lại.

Ông Trump đang phải đối mặt với các phiên tòa hình sự ở 4 khu vực pháp lý và một loạt vụ án pháp lý khác, trong khi ông vẫn tuyên bố sai sự thật rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã “bị đánh cắp”. Ông Biden gọi đối thủ của mình là mối đe dọa đối với nền dân chủ, người sẽ tìm cách trả đũa nếu ông giành lại được quyền lực.

Với những lời gay gắt của cả hai bên lần này, cuộc tái đấu Trump - Biden vẫn có thể khiến các nhà đầu tư lo lắng về nguy cơ bất ổn xã hội. Một cuộc bầu cử gay gắt có nguy cơ ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng khi nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tìm cách ngăn chặn suy thoái do tác động chậm trễ của việc tăng lãi suất mạnh mẽ.

Trong khi đó, đồng USD có thể dao động theo xác suất bầu cử. Chứng khoán Mỹ cũng có thể bị tổn thương do sự thận trọng trước căng thẳng Mỹ - Trung, nhất là khi các bên tập trung vào các rào cản thương mại.

Các nhà phân tích cho rằng mức thuế cao hơn sẽ thúc đẩy lạm phát, đẩy đồng USD lên và làm tổn thương đồng nhân dân tệ, đồng euro và đồng peso của Mexico.

Anh

Thời gian diễn ra bầu cử ở Anh dự kiến vào cuối năm 2024. Hiện đảng Lao động đối lập dưới sự lãnh đạo của ứng cử viên trung tả Keir Starmer, đang dẫn đầu trước đảng Bảo thủ cầm quyền trong các cuộc thăm dò.

Trước cuộc bầu cử, nền kinh tế Anh đang bị trì trệ và ngân sách tài chính eo hẹp. Bất kỳ cam kết chi tiêu bất ngờ nào được đưa ra có thể ảnh hưởng tới trái phiếu.

Ngoài ra, đảng Lao động cũng có thể thực hiện các thay đổi có chủ đích về thuế, làm ảnh hưởng đến các công ty năng lượng. Họ cũng muốn có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Liên minh châu Âu sau Brexit, điều này có thể thúc đẩy đồng bảng Anh.

Phương Anh (Nguồn: Reuters )

Tin mới