Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Năm 2020: Sạt lở dồn dập, miền Trung tang thương

(VTC News) -

Ngoài hứng chịu bão lũ, nhiều tỉnh miền Trung trải qua một năm tang tóc, đặc biệt là thiệt hại về người do sạt lở gây ra.

Từ Rào Trăng 3 đến Đoàn 337

Rạng sáng 12/10, tại khu nhà điều hành thuộc Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) xảy ra vụ sạt lở đất. Trong khi nhiều công nhân di chuyển sang Thủy điện Rào Trăng 4 thoát nạn thì 17 người mất tích.

Những ngày cuối năm 2020, lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các công nhân còn mất tích ở Rào Trăng 3.

Ngay khi nhận điện báo có vụ sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3, vùi lấp hơn chục công nhân, đoàn công tác gồm 21 người do ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4 làm trưởng đoàn đã khẩn trương lên rừng tìm kiếm cứu nạn. 

16h cùng ngày, đoàn cứu hộ đến khu vực rừng núi có công trình thủy điện Rào Trăng 3. Vị phó tư lệnh quyết định đi bộ vượt suối, băng rừng tiếp cận hiện trường để khảo sát, chỉ đạo công tác cứu nạn.

Ngày thường, từ trung tâm xã Phong Xuân đến khu vực thủy điện Rào Trăng 3 mất hơn 90 phút đi xe máy, nhưng do mưa lũ, sạt lở, suối chảy bất thường nên đi lại rất khó khăn, đoàn cứu hộ quyết định bám đá, bò đường để trườn qua những điểm sạt lở.

Khi gần đến điểm sạt lở, quả đồi bên đường bất ngờ sạt xuống khu vực đoàn đang nghỉ tại Trạm kiểm lâm số 67 khiến 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Văn Man. 

Đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể của toàn bộ 13 cán bộ, chiến sĩ trong đoàn cứu hộ. Trong khi đó, 11/17 công nhân vẫn còn mất tích.

Sạt lở khiến 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 hy sinh.

Khi đồng bào cả nước chưa hết bàng hoàng trước sự hy sinh của 13 cán bộ, chiến sĩ và nhiều công nhân còn đang mất tích ở Rào Trăng 3 thì 6 ngày sau (18/12), một vụ sạt lở núi vùi lấp khu nhà của Đoàn 337 đóng tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị khiến 22 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.

Trưa 19/10, đoàn xe cứu thương đưa những thi thể đầu tiên được tìm thấy ở hiện trường về đến Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Quảng Trị (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị).

Trong giây phút nhìn thấy đoàn xe cứu thương, thân nhân của các cán bộ, chiến sĩ gào khóc thảm thiết. Không kìm nén nổi xúc cảm, nhiều người mẹ, người chị và các con của những nạn nhân bị vùi lấp trong trận sạt lở núi kinh hoàng ở huyện Hướng Hóa đã ngất lịm. Chiều cùng ngày, lực lượng chức năng tìm thấy hai nạn nhân cuối cùng của đoàn cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 bị đất sạt lở vùi lấp. 

4 vụ sạt lở ở Quảng Nam, 43 người chết và mất tích

Do ảnh hưởng của cơn bão số 9 (Molave), chiều 28/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xuất hiện mưa to nặng hạt. Chỉ trong một buổi chiều, tại 2 huyện miền núi của tỉnh này gồm Nam Trà My và Phước Sơn xảy ra 4 vụ sạt lở kinh hoàng khiến tổng cộng 43 người chết và mất tích.

Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng.

Cụ thể, tại huyện Nam Trà My, sạt lở núi xảy ra tại nóc Ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng) làm 15 ngôi nhà bị vùi lấp, 22 người chết và mất tích; 8 người dân thôn 1 (xã Trà Vân) cũng bỏ mạng khi hứng chịu trận núi lở kinh hoàng.

Tại xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn), 2 trận sạt lở khiến tổng cộng 13 người chết và mất tích, trong đó có 2 cán bộ xã. 

Tính đến thời điểm hiện tại, 17/43 nạn nhân trong các vụ sạt lở trên vẫn chưa được tìm thấy.

Trong khi đó, tối 10/11, sạt lở cũng khiến làng Ra Pân, xã Sơn Long, huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi chìm trong cảnh tan hoang. Trận sạt lở núi kinh hoàng này kéo dài xuyên đêm khiến bà con địa phương rất đỗi lo sợ. Ước chừng, 60.000 m3 đất đá trút xuống làng Ra Pân, phủ khắp quãng đường gần 1 cây số. 

Rất may, thời điểm xảy ra sạt lở núi, toàn bộ 60 hộ dân trong làng đã được di dời đến chỗ tránh trú an toàn nên không có thiệt hại về người.

Video: Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng

THỐNG NHẤT

Tin mới