Đó là thông tin được Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu ra tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 28/12.
Năm 2020, trước tác động của dịch COVID-19, với tinh thần nhất quán "không để ai bị bỏ lại phía sau", Chính phủ kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ vượt trội, chưa từng có tiền lệ về tài khóa, tín dụng, bảo hiểm xã hội, giảm giá điện, giá cước viễn thông.
Trình bày báo cáo tóm tắt kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2020 và 5 năm 2016-2020, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trước tình hình dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo thống nhất quan điểm điều hành với tinh thần "khó khăn gấp 2 thì phải nỗ lực, cố gắng gấp 3", quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép"; phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong điều kiện "bình thường mới".
Trong đó, Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp do đại dịch COVID-19; bảo đảm an sinh xã hội và ổn định đời sống cho người dân.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)
Đồng thời, Chính phủ tăng cường bảo hộ công dân, tổ chức các chuyến bay đón hơn 75.000 người Việt Nam về nước an toàn. Giai đoạn 2016-2020, các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, giảm nghèo được quan tâm thực hiện đầy đủ; triển khai tích cực Đề án và chủ trương đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chính phủ cũng chỉ đạo các địa phương chủ động, quyết liệt, ứng phó kịp thời, ngăn chặn, kiểm soát tốt đại dịch COVID-19; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.
Chính phủ, Thủ tướng chủ động đánh giá đúng tình hình, coi phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng; đề ra các giải pháp kịp thời, kiên quyết, sớm hơn và cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và phù hợp diễn biễn dịch với phương châm “4 tại chỗ”.
Trong đó, Chính phủ chú trọng thực hiện chiến lược ngăn chặn dịch từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để; điều trị hiệu quả các ca nhiễm; tự chủ trong sản xuất vật tư, trang thiết bị y tế, nhất là việc phát triển sản xuất vaccine COVID-19. Huy động, phát huy sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội, đặc biệt là sự cống hiến, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm của đội ngũ y bác sỹ, lực lượng quân đội, công an, tạo nên sức mạnh tổng hợp ngăn chặn thành công dịch COVID-19.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng quán triệt chủ trương “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”; “kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên”; Tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề môi trường.
"Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung; Tăng cường quản lý chất thải rắn, ngăn chặn rác thải nhựa; Chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa trong phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Triển khai sớm các giải pháp cấp bách kiểm soát hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long nên diện tích lúa bị thiệt hại năm 2020 chỉ bằng 9,6% so với năm 2016; Tập trung chỉ đạo với phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; Rà soát, cập nhật các kịch bản phòng, chống thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất; Kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu.
Bên cạnh đó, Chính phủ còn chỉ đạo củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế trong khi kinh tế thế giới đi vào suy thoái. Khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng ngành, từng địa phương và từng vùng; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, thu hút các nguồn lực cho phát triển.
Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: VGP)
Chính phủ tập trung rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Chính phủ quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của Nhân dân; Tăng cường thông tin, truyền thông tạo đồng thuận xã hội; Tăng cường quốc phòng, an ninh; chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, về tồn tại, hạn chế, kỷ cương, kỷ luật hành chính, đổi mới lề lối làm việc trong một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu; Việc tổ chức thực hiện pháp luật còn chậm;Trách nhiệm của một số bộ, ngành trong phối hợp xử lý công việc chưa cao, còn thiếu quyết liệt chưa chủ động tìm hướng đi mới, chậm phản ứng trước những vấn đề phát sinh.