Bộ Tài chính vừa có báo cáo Thủ tướng về kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Báo cáo nhấn mạnh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài có nhiều hoạt động sản xuất đáng chú ý tại Việt Nam như Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh), Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV Bắc Ninh) và Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên (SEV Thái Nguyên), thuộc Tập đoàn Samsung.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, Formosa Hà Tĩnh lỗ hơn 11.500 tỉ đồng trong năm 2019.
Theo Bộ Tài chính, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) kinh doanh thua lỗ hàng chục ngàn tỉ đồng trong năm 2019. Cụ thể, tổng tài sản của Formosa Hà Tĩnh hiện nay khoảng 286.800 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 100.800 tỉ đồng, lỗ lũy kế đến hết năm 2019 khoảng 25.380 tỉ đồng.
Trong năm 2019, doanh thu sản xuất kinh doanh, doanh thu từ hoạt động tài chính của Formosa Hà Tĩnh đạt khoảng 72.000 tỉ đồng, số lỗ trong năm hơn 11.500 tỉ đồng, số lỗ này gấp 4,2 lần cùng kỳ năm 2018. Số tiền nộp ngân sách năm 2019 của Formosa Hà Tĩnh là 51,6 tỉ đồng.
Đối với 2 công ty thuộc tập đoàn Samsung là SEV Thái Nguyên và SEV Bắc Ninh, tính riêng năm 2019, lợi nhuận trước thuế lên tới 85.918 tỉ đồng, tương đương gần 4 tỉ USD. Đánh giá của Bộ Tài chính cho thấy, đây là 2 doanh nghiệp (DN) lớn nhất trong 967 DN thuộc nhóm ngành sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy tính, thiết bị quang học, đang đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.
Doanh thu của SEV Bắc Ninh, SEV Thái Nguyên chiếm 48% tổng doanh thu của nhóm các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy tính, thiết bị quang học.
SEV Bắc Ninh có tổng tài sản hơn 247.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 219.100 tỉ đồng, lợi nhuận chưa phân phối khoảng 205.000 tỉ đồng.
Riêng trong năm 2019, SEV Bắc Ninh đạt doanh thu khoảng 447.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 37.300 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 35.000 tỉ đồng, nộp ngân sách khoảng 2.800 tỉ đồng.
Tương tự, SEV Thái Nguyên hiện có tổng tài sản khoảng 277.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 235.600 tỉ đồng, lợi nhuận chưa phân phối khoảng 227.000 tỉ đồng.
Tổng doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động tài chính của SEV Thái Nguyên năm 2019 đạt 657.600 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 48.500 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 46.000 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước 2.000 tỉ đồng.
Trong lĩnh vực sản xuất, phân phối kinh doanh điện, Bộ Tài chính phân tích tình hình tài chính của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 và Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương. Đây là hai dự án điện BOT.
Dự án Vĩnh Tân 1 vận hành từ tháng 7/2018, thời hạn hoạt động là 25 năm kể từ ngày vận hành. Doanh thu năm 2019 của công ty này là hơn 15,2 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 3.600 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 508 tỷ đồng.
Trong khi đó, dự án điện của Công ty Điện lực AES Mông Dương vận hành từ tháng 3/2015. Nợ phải trả của công ty là hơn 25,9 nghìn tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 2,51 lần, thấp hơn mức tối đa quy định tại hợp đồng BOT 4 lần. Hệ số khả năng thanh toán hiện thời là 1,13 lần; hệ số khả năng thanh toán nhanh là 0,91 lần ở dưới ngưỡng hợp lý cho thấy công ty có khả năng sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ.
Bộ Tài chính đánh giá khả quan về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của 2 doanh nghiệp, đồng thời khẳng định khả năng sinh lời cao hơn so với số liệu bình quân chung của nhóm ngành “sản xuất, phân phối, kinh doanh điện”.
Hàng loạt doanh nghiệp FDI thua lỗ
Doanh thu của 55% doanh nghiệp FDI báo lỗ trong năm 2019 được ghi nhận khoảng 846.800 tỉ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm nước. Như vậy, doanh thu của các doanh nghiệp FDI báo lỗ đang tiếp tục tăng lên.
Các nhóm ngành hai năm liền có số doanh nghiệp FDI lỗ trước và sau thuế tăng là sản xuất sắt, thép và kim loại khác; dầu khí, xăng dầu, nhiên liệu khí và sản phẩm hóa dầu; viễn thông, phần mềm.
Về doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế nhiều năm trên báo cáo tài chính, Bộ Tài chính cho biết đến hết năm 2019 có 14.822 doanh nghiệp FDI có lỗ lũy kế, chiếm 66% doanh nghiệp báo cáo.
Tổng giá trị lỗ lũy kế của các doanh nghiệp FDI trên báo cáo tài chính khoảng 520.700 tỉ đồng.
Số doanh nghiệp FDI lỗ mất vốn trong năm 2019 là 3.545 doanh nghiệp, tăng 24,2% cùng kỳ năm trước.