Mỹ và 13 nước khác ngày 30/3 đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về nhóm điều tra do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu tới Trung Quốc để tìm hiểu nguồn gốc của COVID-19. Các nước này cho rằng nhóm điều tra đã tới quá muộn và không được tiếp cận đầy đủ và kịp thời các dữ liệu cần thiết.
Đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới đã có 28 ngày làm việc tại thành phố Vũ Hán (Nguồn: WSJ)
Tuyên bố chung có sự tham gia của Mỹ, Australia, Nhật Bản, Canada, Anh và một số nước khác kêu gọi phân tích và đánh giá độc lập, minh bạch, không bị tác động và can thiệp. Các nước này cho rằng cần tiếp tục các nghiên cứu giai đoạn hai với sự tham gia của các chuyên gia độc lập và những người này phải được tiếp cận với mọi nguồn dữ liệu cần thiết để có thể xác định dịch bệnh COVID-19 xuất hiện như thế nào. Các nước này cũng cam kết sẽ phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới để tăng cường năng lực, củng cố an ninh y tế toàn cầu, và gia tăng lòng tin của người dân đối với khả năng của thế giới trong việc phát hiện, chuẩn bị, và ứng phó với các dịch bệnh trong tương lai.
Phái đoàn của Liên minh châu Âu tại Liên hợp quốc cùng ngày cũng đã ra một tuyên bố riêng rẽ với cùng quan điểm của tuyên bố chung nêu trên. Các tuyên bố này được đưa ra sau khi nhóm điều tra do Tổ chức Y tế Thế giới đứng đầu tại Vũ Hán báo cáo rằng virus SARS-CoV-2 rất có thể không rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Báo cáo do Tổ chức Y tế Thế giới công bố là kết quả của 28 ngày công tác tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, nơi virus xuất hiện đầu tiên.
Phát biểu với báo giới sau khi bản báo cáo được công bố, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus xác nhận đánh giá của báo cáo là "chưa đầy đủ" và cần có thêm dữ liệu và nghiên cứu để đưa ra các kết luận cuối cùng. Theo người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới, mặc dù nhóm điều tra cho rằng khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là giả thiết khó xảy ra nhất, điều này vẫn cần điều tra thêm và có thể cần các chuyến đi khác với sự tham gia của các chuyên gia.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho rằng báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới thiếu các dữ liệu và thông tin quan trọng và là một bức tranh không hoàn chỉnh, đồng thời kêu gọi tiến hành các bước điều tra bổ sung tiếp theo.
Trong khi đó, trong tuyên bố riêng của mình sau khi báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới được công bố, Trung Quốc đã cảnh báo rằng việc chính trị hóa vấn đề này sẽ chỉ cản trở việc nghiên cứu nguồn gốc của COVID-19. Trung Quốc cũng tiếp tục kêu gọi tiến hành các cuộc điều tra tương tự ở các nước khác./.