Hãng tin RT dẫn lời bà Julianne Smith - đại diện thường trực của Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - cho biết Washington ủng hộ ý tưởng về một liên minh an ninh mới ở châu Âu, có thể bao gồm Ukraine, Anh, Ba Lan, các nước Baltic và có thể cả Thổ Nhĩ Kỳ.
Tháng trước, tờ Corriere della Sera của Italia đưa tin Thủ tướng Anh Boris Johnson đã trình bày ý tưởng về một liên minh an ninh mới có tên “Khối thịnh vượng chung châu Âu” với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm đến Kiev vào đầu tháng 4.
Theo các nguồn tin của tờ báo, Thủ tướng Johnson coi khối này là “một hệ thống liên minh chính trị, kinh tế và quân sự mới - thay thế cho Liên minh châu Âu (EU)”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã trình bày ý tưởng về một liên minh an ninh mới có tên “Khối thịnh vượng chung châu Âu” với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm đến Kiev vào đầu tháng 4. (Ảnh: Anadolu Agency)
Ông Johnson tin rằng Anh, Ukraine, Ba Lan, Latvia, Lithuania và Estonia, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ nên xích lại gần nhau hơn trên cơ sở "sự khác biệt” về mục tiêu đối với một số vấn đề mà EU và NATO không thể giải quyết được. Điển hình như phản ứng chậm chạp của Đức khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, cũng như những lo ngại về mối đe dọa từ Moskva đối với an ninh châu Âu, tờ Corriere della Sera cho biết.
Trong cuộc họp báo ngày 14/6, khi được phóng viên hỏi về ý tưởng thành lập liên minh an ninh mới ở châu Âu của Anh, bà Julianne Smith đã trả lời rằng một hiệp ước an ninh như vậy thực sự có thể đóng góp vào mục tiêu của NATO là tăng cường hơn nữa lực lượng ở sườn phía đông liên minh, vốn đã trở thành ưu tiên của khối quân sự này kể từ khi xung đột Ukraine diễn ra.
“Rõ ràng là chúng tôi ủng hộ các sáng kiến giúp xây dựng năng lực phòng thủ của châu Âu. Và trong phạm vi các thành viên NATO tách ra thành quan hệ đối tác hoặc liên minh mới để giúp củng cố hơn nữa mục tiêu chung thì đó là điều Washington luôn ủng hộ”, đặc phái viên Mỹ nói.
Ngoài Ukraine, các thành viên tiềm năng của liên minh mới đều là thành viên NATO, với Ba Lan và ba nước Baltic cũng thuộc EU.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn chưa phản hồi đề xuất "Khối thịnh vượng chung châu Âu" của Thủ tướng Johnson , vì ông đang chờ đợi kết quả của hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 23/6, tờ Corriere della Sera cho biết. Trong cuộc họp thượng đỉnh tới đây, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ quyết định liệu có nên trao cho Ukraine tư cách là một quốc gia ứng cử viên của EU hay không.
Còn theo một báo cáo của tờ Politico hôm 13/6, Ủy ban châu Âu sẽ ủng hộ việc cấp quy chế ứng cử viên EU cho Kiev. Trong khi các báo cáo khác cho rằng các quốc gia bao gồm Đan Mạch và Hà Lan có thể không chấp thuận đề xuất này khi Ukraine vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chí để trở thành thành viên EU.