Trước phiên điều trần của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ hôm 31/5, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ Thea Rozman Kendler cho biết, năm 2022, 5.064 đơn xin giấy phép xuất khẩu và tái xuất khẩu đã được xem xét và khoảng 26% đã bị từ chối.
"Chúng tôi xác định các công nghệ nhạy cảm của Mỹ sẽ mang lại lợi thế cho đối thủ. Mỹ sẽ xây dựng các chính sách và chiến lược để bảo vệ những công nghệ này và xem xét đơn xin cấp phép của các nhà xuất khẩu", Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ Thea Rozman Kendler cho hay.
Mỹ siết sản phẩm công nghệ nhạy cảm xuất sang Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Ông Matthew Axelrod, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại về thực thi xuất khẩu, cho biết Mỹ đã liệt 700 thực thể Trung Quốc vào "danh sách thực thể" chịu sự kiểm soát xuất khẩu. Ông nói, hơn 200 thực thể Trung Quốc đã được bổ sung vào danh sách này kể từ khi Tổng thống Joe Biden nắm quyền.
“Chúng tôi thực thi biện pháp hành chính, hình sự để kiểm soát việc xuất khẩu công nghệ tiên tiến - như chất bán dẫn, động cơ hàng hải, vệ tinh và tên lửa, hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc", ông Axelrod cho biết.
"Mục tiêu là để ngăn chặn việc hiện đại hóa quân đội, vi phạm nhân quyền và các hoạt động khác đi ngược lại lợi ích chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ", ông Axelrod nói.
Quan chức Bộ Tài chính Mỹ Paul Rosen cũng cho biết, các kế hoạch của chính quyền Biden nhằm hạn chế một số khoản đầu tư ra nước ngoài của Mỹ vào các công nghệ nhạy cảm cụ thể vẫn đang được thảo luận.
"Chúng tôi muốn tránh tình huống khoản đầu tư của Mỹ hỗ trợ và thúc đẩy công nghệ nâng cao năng lực quân sự hoặc tình báo ở các nước đối thủ, có thể làm suy yếu an ninh Mỹ và khiến người Mỹ gặp rủi ro", Paul Rosen cho hay.
Hồi tháng 3, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết chính quyền Biden đang xem xét chương trình thí điểm để giải quyết rủi ro về đầu tư vào Trung Quốc.