Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 28/9 cho biết, Bắc Kinh đã chi hàng tỷ USD mỗi năm cho nỗ lực thao túng thông tin, bao gồm cả việc mua cổ phần của truyền thông nước ngoài thông qua “các phương tiện công cộng và phi công cộng”, tài trợ cho những người có ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội và có những thỏa thuận quảng bá cho Chính phủ Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo xu hướng này có thể dẫn đến “sự thu hẹp mạnh” quyền tự do ngôn luận toàn cầu. “Nếu không được kiểm soát, những nỗ lực của Bắc Kinh có thể dẫn đế .... sự thu hẹp mạnh mẽ quyền tự do ngôn luận toàn cầu”, báo cáo Bộ Ngoại giao Mỹ nêu.
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc tiếp tục căng thẳng thời gian gần đây. (Ảnh: Reuters)
"Việc thu thập dữ liệu của Trung Quốc ở nước ngoài đã cho phép Bắc Kinh tinh chỉnh kiểm duyệt nội dung bằng cách nhắm đến những mục tiêu là cá nhân và tổ chức cụ thể”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Trích dẫn các báo cáo công khai và “thông tin chính phủ mới thu được”, Trung tâm Tương tác Toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Bắc Kinh đã tạo ra hệ sinh thái thông tin của nước này bằng cách thu hút giới tinh hoa chính trị và các nhà báo nước ngoài. Bắc Kinh cũng đã đầu tư vào mạng lưới vệ tinh và dịch vụ truyền hình kỹ thuật số ở các khu vực đang phát triển, ưu tiên nội dung truyền thông do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra trong bối cảnh tranh cãi về những nỗ lực của Trung Quốc trong những năm gần đây nhằm mở rộng dấu ấn toàn cầu của các phương tiện truyền thông do chính phủ nước này kiểm soát, đặc biệt là khi cạnh tranh địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng gia tăng.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa lên tiếng về cáo buộc của Mỹ.
Vào tháng 7, Trung Quốc phản ứng trước thông cáo của NATO khi cáo buộc nước này thực hiện các chính sách cưỡng chế và truyền bá thông tin sai lệch. Bắc Kinh tuyên bố cáo buộc của NATO coi thường các sự thật cơ bản, cố tình làm mất uy tín của Trung Quốc và bóp méo chính sách của nước này.