"Tôi đã từng lo ngại rằng Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 7", Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói hôm 16/7.
"Tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy điều đó sẽ xảy ra ngay, nhưng sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Triều Tiên tiến hành thử nghiệm khả năng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa", ông Sullivan nhấn mạnh, cho biết Mỹ có sự "phối hợp hết sức tích cực, chặt chẽ với" Hàn Quốc và các đồng minh khác.
Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhiên liệu rắn Hwasong-18 vào ngày 12/7. (Ảnh: Yonhap)
Tuần trước, Triều Tiên đã phóng thử ICBM nhiên liệu rắn Hwasong-18 dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un bất chấp sự lên án của quốc tế về các vụ phóng tên lửa gần đây của nước này.
Em gái của lãnh đạo Kim Jong-un, Kim Yo-jong sau đó tuyên bố vụ phóng ICBM là hành động tự vệ "chính đáng" nhằm đáp trả chính sách thù địch của Mỹ.
Phát biểu trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 13/7 về vụ thử ICBM của Triều Tiên mới đây, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song cũng khẳng định, vụ phóng “không tác động tiêu cực đến an ninh của các nước láng giềng”.
Đại sứ Triều Tiên nhấn mạnh, mô hình an ninh quân sự trên bán đảo Triều Tiên đã đạt đến giai đoạn ổn định sau cuộc khủng hoảng hạt nhân hậu Chiến tranh Lạnh. Song, ông cho rằng Mỹ có nguy cơ đẩy tình hình ở châu Á "đến bờ vực chiến tranh hạt nhân" bằng các hành động của nước này.
Theo nhà ngoại giao Triều Tiên, chính “các hành động khiêu khích quân sự” do Mỹ và đồng minh thực hiện đã tác động tiêu cực đến tình hình khu vực. Ông cũng lập luận rằng việc Mỹ thường xuyên triển khai tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom hạt nhân chiến lược xung quanh bán đảo Triều Tiên, cũng như tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn trong khu vực. Những động thái này của Mỹ nguy cơ đẩy Bình Nhưỡng “đến bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân”.
Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu và cũng là lần cuối cùng vào tháng 9/2017.