Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mỹ lo ngại cả cần cẩu Trung Quốc, chi số tiền khổng lồ thay thế

(VTC News) -

Trong bối cảnh Mỹ nỗ lực khái quát hóa khái niệm an ninh quốc gia, các quan chức nước này tiếp tục nhắm đến những chiếc cần cẩu được sản xuất bởi Trung Quốc.

Tờ Sina của Trung Quốc ngày 22/2 đưa tin, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden kế hoạch chi số tiền khổng lồ để sản xuất cần cẩu trong nước, để thay thế cần cẩu do Trung Quốc sản xuất đang hoạt động tại các cảng của Mỹ, từ đó giảm bớt “mối lo ngại” của người dân.

Động thái này là một phần trong hành động của Nhà Trắng nhằm tăng cường an ninh mạng tại các cảng của Mỹ. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ cũng ban hành chỉ thị an ninh yêu cầu các cần cẩu do nước ngoài sản xuất hiện được triển khai tại các cảng biển chiến lược phải đáp ứng một số yêu cầu an ninh kỹ thuật số nhất định.

Ngoài cơ sở hạ tầng cảng đất liền, các cơ sở và tàu được yêu cầu phải báo cáo các cuộc tấn công mạng hàng hải. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ sẽ chia sẻ báo cáo về các cơ sở và tàu cụ thể với Cơ quan An ninh Cơ sở hạ tầng và An ninh mạng cũng như các cơ quan chính phủ khác.

Người phụ trách mới về an toàn hàng hải cũng sẽ được bổ nhiệm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong một chuyến thăm cảng Baltimore ở Maryland, phía sau là cần cẩu Neo-Panamax do công ty Zhenhua Heavy Industries của Trung Quốc sản xuất. (Ảnh: Visual China)

Theo CNBC, các cảng là cửa ngõ chính cho thương mại của Mỹ, với 31 triệu việc làm và doanh thu hơn 5,4 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế đứng đầu thế giới.

“Chúng tôi đang thực hiện việc chống lại các mối đe dọa mạng đối với cơ sở hạ tầng quan trọng”, một quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ nói với CNBC tại một cuộc họp ngắn trước khi hoạt động được công bố chính thức.

Theo Wall Street Journal, các quan chức Chính phủ Mỹ cho biết hơn 20 tỷ USD sẽ được đầu tư vào an ninh cảng trong 5 năm tới, bao gồm cả việc sản xuất cần cẩu chở hàng. Khoản tài trợ này đến từ tổng dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD được thông qua vào năm 2021, và sẽ được sử dụng để hỗ trợ việc sản xuất cần cẩu bởi một công ty con tại Mỹ của Tập đoàn Mitsui Nhật Bản.

Các quan chức Mỹ cho biết đây sẽ là lần đầu tiên sau 30 năm cần cẩu được sản xuất trong nước tại Mỹ.

Bà Anne Neuberger, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ về công nghệ mạng và công nghệ mới nổi, cho biết: “Chúng tôi cảm thấy có rủi ro chiến lược thực sự ở đây”.

Bà Neuberger giải thích rằng do cần cẩu di chuyển các container lớn ra vào cảng, nếu chúng “được mã hóa trong một cuộc tấn công bất hợp pháp (mạng), được thuê hoặc vận hành bởi đối thủ”, chúng có thể gây “tác động thực sự đến dòng hàng hóa của nền kinh tế Mỹ và lực lượng quân sự Mỹ di chuyển hàng hóa qua các cảng”.

Các quan chức cấp cao của Mỹ tuyên bố rằng, mặc dù Trung Quốc là “mối đe dọa” chính mà sắc lệnh hành pháp gần đây nhắm đến, nhưng vấn đề tội phạm an ninh mạng cũng là một yếu tố quan trọng.

Họ lấy ví dụ về cảng hàng hóa lớn nhất Nhật Bản là cảng Nagoya. Tháng 7 năm ngoái, cảng này bị tin tặc tấn công khiến chức năng hậu cần bị tê liệt, virus xâm nhập hệ thống khiến hoạt động xếp dỡ tại 5 bến container phải tạm dừng, hơn 20.000 lô hàng container bị ảnh hưởng.

Tờ Wall Street Journal trong một bài báo đăng vào tháng 3 năm ngoái, tiết lộ rằng một số quan chức Bộ An ninh quốc gia Mỹ và Lầu Năm Góc đã so sánh cần cẩu của nhà sản xuất Zhenhua Heavy Industries của Trung Quốc sản xuất là "ngựa Trojan" (Trojan là một loại phần mềm mã độc, có khả năng hủy hoại, khiến cho máy tính không thể hoạt động như ý muốn).

Các quan chức Mỹ lo ngại những chiếc cần cẩu khổng lồ do các công ty Trung Quốc sản xuất được sử dụng tại các cảng trên khắp cả nước, một số được cả quân đội Mỹ sử dụng, có thể gây ra "rủi ro gián điệp và phá hoại", hoặc chúng có thể "thực hiện các nhiệm vụ bí mật" trong quá trình hoạt động.

Báo cáo khẳng định rằng dù cần cẩu của Zhenhua được sản xuất tốt và giá thành thấp nhưng chúng được trang bị các cảm biến phức tạp có thể theo dõi nguồn và đích đến của các container. Do đó, Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể lấy được thông tin về các vật liệu được vận chuyển ra vào nước Mỹ, cũng như được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động quân sự của Mỹ trên khắp thế giới.

Một quan chức Mỹ cho biết gần 80% cần cẩu container trên bờ được sử dụng tại các cảng của Mỹ đều do công ty Zhenhua sản xuất.

John Vann, người đứng đầu Bộ chỉ huy Mạng Cảnh sát biển Mỹ, cho biết: "Theo thiết kế, những chiếc cần cẩu này có thể được điều khiển, bảo trì và lập trình từ xa. Những tính năng này có thể khiến những chiếc cần cẩu do Trung Quốc sản xuất dễ dàng bị khai thác".

Tạp chí Phố Wall cho biết các quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm cả Giám đốc FBI Christopher Wray, đã đưa ra một số lượng lớn cảnh báo, cho rằng "tin tặc Trung Quốc đã xâm chiếm cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ".

Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ quan điểm khi Mỹ thường xuyên “cường điệu hóa” các chủ đề liên quan. Vào tháng 3 năm ngoái, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã bác bỏ những thông tin “thổi phồng” của truyền thông Mỹ, nói rằng những thông tin này là “nhìn gà hóa cuốc” và gây hiểu lầm cho người dân Mỹ.

Ngày 22/1 vừa qua, khi trả lời các câu hỏi liên quan tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói rằng “nỗi hoang tưởng bị uy hiếp” đối với các chính trị gia Mỹ liên quan ngày càng nghiêm trọng.

Ông Vương tuyên bố từ việc cáo buộc thiết bị công nghệ thông tin của Trung Quốc để lại "cửa sau", cần cẩu do Trung Quốc sản xuất là "ngựa Trojan" để thu thập thông tin tình báo, cho đến phóng đại pin xe điện Trung Quốc "đe dọa" an ninh quốc gia,… “ý định thực sự của Mỹ nhằm kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc dưới chiêu bài an ninh quốc gia ngày càng lộ rõ”.

Hoa Vũ

Tin mới