Tờ South China Morning Post dẫn thông báo từ bộ tư lệnh Hạm đội 7 cho biết, hải quân Mỹ đang tìm cách trục vớt chiếc tiêm kích tàng hình F-35C vừa rơi xuống Biển Đông sau một sự cố hạ cánh trên tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) hôm 24/1.
Trước đó, Trung úy Nicholas Lingo, người phát ngôn của Hạm đội 7 khi trả lời họp báo về vụ tai nạn đã khẳng định rằng chiếc F-35 gặp nạn do va chạm vào sàn đáp của USS Carl Vinson khi chuẩn bị hạ cánh và sau đó rơi xuống nước. Tuy nhiên ông này lại không tiết sự cố này là lỗi kỹ thuật hay do con người.
Đánh giá về vụ tai nạn hy hữu trên Collin Koh, thành viên Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cho biết Mỹ sẽ tìm cách trục vớt chiếc F-35 càng sớm càng tốt.
Một chiếc F-35 hoạt động trên tàu sân bay USS Carl Vinson. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
“Nếu người Mỹ quyết định bỏ rơi chiếc máy bay dưới đáy biển và hoàn toàn phớt lờ nó, thì nó sẽ trở thành lời mời cho những quốc gia khác quan tâm đến các công nghệ trên F-35C, miễn là họ có khả năng. Tôi không nghĩ người Mỹ muốn công nghệ hoặc thông tin tình báo trên chiếc máy bay rơi vào tay các đối thủ của Washington, đặc biệt là Trung Quốc”, ông Collin Koh nói.
“Lượng thông tin tình báo từ xác chiếc F-35C sẽ là quá lớn để 'cho không' đối thủ cạnh tranh chiến lược như Trung Quốc. Chắc chắn Mỹ không muốn Trung Quốc đoạt lấy xác máy bay, vì nước này vốn đã rất lo ngại việc quân đội Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách trong những năm gần đây”, ông Collin Koh nhấn mạnh.
Cũng theo Hạm đội 7, sau khi sự cố xảy ra, các hoạt động trên tàu sân bay USS Carl Vinson vẫn diễn ra bình thường, thiệt hại ở khu sàn đáp là không đáng kể. Dù vậy vẫn có 7 thủy thủ (bao gồm cả phi công chiếc F-35C) đã bị thương trong vụ việc này.
Tuy nhiên theo dữ liệu từ Trung tâm An toàn Hải quân Mỹ cho biết chỉ trong 6 tuần cuối năm 2021, tàu sân bay USS Carl Vinson đã để xảy ra bốn "sự cố cấp A" khi đang làm nhiệm vụ trên biển.
Hai nhóm tàu sân bay Mỹ gồm USS Carl Vinson và USS Abraham Lincoln (CVN-72) sau đó vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động diễn tập hải quân chung với lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản trên Biển Đông.
Được biết, ngay sau khi các tàu sân bay của cả Mỹ và Nhật Bản tiến vào Biển Đông tham gia tập trận, Trung Quốc cũng điều động số lượng lớn máy bay quân sự áp sát vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.