Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mỹ - EU chuẩn bị ký thỏa thuận khí đốt tự nhiên hóa lỏng?

(VTC News) -

Reuters dẫn nguồn tin, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ chuẩn bị công bố thỏa thuận vào hôm 25/3 để cung cấp cho châu Âu nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG)

Theo Reuters, Tổng thống Joe Biden hôm 24/3 cam kết sẽ cung cấp ít nhất 15 tỷ m3 khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu trong năm nay. Ông Biden đang có chuyến công du châu Âu, tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU tại Brussels.

Trong thỏa thuận chuẩn bị ký kết giữa Mỹ và EU, Washington cũng sẽ tiếp tục cung cấp LNG cho EU vào năm 2023.

Mỹ đang thúc đẩy mạnh mẽ việc cung ứng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, theo giới phân tích, các nhà máy LNG của Mỹ đã sản xuất LNG hết công suất, phần lớn lượng khí đốt bổ sung đến châu Âu sẽ phải cắt giảm từ nguồn xuất khẩu khí đốt của Washington đến các khu vực khác trên thế giới.

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh EU đang lên kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga vào cuối năm 2022. Năm 2021, EU nhập khẩu 155 tỷ m3 khí đốt từ Nga. Trong tổng số này, có 140 tỷ m3 đến qua đường ống dẫn khí và 15 tỷ m3 đến bằng tàu chở LNG.

Tổng cộng, Nga cung cấp hơn 40% lượng khí đốt tiêu thụ ở EU. Ủy ban châu Âu hy vọng rằng đến cuối năm 2022, nhập khẩu khí đốt của Nga sẽ giảm hơn 100 tỷ m3. Và trong một vài năm nữa, việc hoàn toàn không phụ thuộc vào Nga là có thể làm được.

Châu Âu đã trở thành nhà nhập khẩu LNG hàng đầu của Mỹ do sản lượng khí đốt tự nhiên giảm, nguồn cung cấp qua đường ống dẫn dầu hạn chế và nhu cầu nhiên liệu tăng cao. Các nhà phân tích cho biết các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến căng thẳng sẽ thúc đẩy châu Âu nhập nhiều LNG của Mỹ hơn.

Tháng 2 vừa qua là tháng thứ 3 liên tục châu Âu trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất của Mỹ, chiếm gần 75% lượng xuất khẩu LNG của Mỹ. Kể từ năm 2021, Washington dần trở thành nhà cung cấp LNG lớn nhất của châu Âu, chiếm 26% tổng lượng nhập khẩu LNG của các thành viên EU. Trong khi đó, Nga đứng thứ 3 với thị phần chỉ còn chiếm 20%, Qatar đứng thứ 2 với 24%.

Kông Anh

Tin mới